Viện Hàn lâm dường như “có thù” với âm nhạc khi chỉ để 2 trong số 5 ca khúc được đề cử biểu diễn tại sân khấu lớn Oscar.
Âm nhạc luôn là một phần quan trọng trong điện ảnh, ngay cả khi bộ phim không thuộc thể loại nhạc kịch. Phần nhạc nền hay hoặc ca khúc xuất sắc sẽ giúp tăng cảm xúc của người xem lên gấp bội. Có bao nhiêu bài hát được viết riêng cho phim? Có lẽ là rất ít. Nhưng Oscar dường như rất ghét âm nhạc và những nghệ sĩ tạo ra chúng.
Tờ Variety đưa tin trong tổng số 5 bài hát được đề cử Ca khúc chủ đề xuất sắc, Viện Hàn lâm chỉ cho phép Shallow của Lady Gaga trong A Star is Born và All the Stars của Kendrick Lamar và SZA trong Black Panther được trình diễn trên sân khấu lớn. 3 ứng cử viên còn lại sẽ không có được vinh dự trên.
Dù chưa đưa ra thông báo chính thức, người hâm mộ dễ dàng nhận ra việc này không sớm thì muộn cũng sẽ diễn ra. Bởi lẽ trước đây, nhiều ca khúc hoặc nghệ sĩ biểu diễn đều bị đối xử bất công trong lúc lên sóng Oscar. Một số bài hát được biểu diễn trọn vẹn trong khi số còn lại chỉ góp mặt được vài giây “cho vui” hoặc bị cắt hoàn toàn.
Như trường hợp của Oscar 2017, hai ca khúc City of Stars và Audition của La La Land được hát tại lễ trao giải bởi John Legend – người cũng góp mặt nhưng chẳng góp chút giọng nào trong phim. Không chỉ Emma Stone và Ryan Gosling không được biểu diễn mà hai bài hát của họ cũng bị cắt ghép thành một liên khúc thay vì tác rời như 3 ứng cử viên còn lại.
Nhiều trường hợp tương tự từng xảy ra khi người trình bày ca khúc trong phim lại không được phép biểu diễn trên sân khấu. Vào năm 2005, Learn to be Lonely trong The Phantom of the Opera do Minnie Driver thể hiện được đề cử Ca khúc chủ đề xuất sắc. Thế nhưng, người trình diễn tại Oscar lại là Beyoncé.

Phil Collins phải ngồi ở hàng ghế khán giả xem người khác trình bày ca khúc Against All Odds được đề cử Oscar chỉ vì những nhà sản xuất không “quen” với cách làm việc của ông. Nực cười thay, cách làm việc của ông dư tốt để được đề cử Oscar nhưng chưa đủ để trình diễn ở đấy.
Peter Gabriel ban đầu dự định biểu diễn bài hát Down to Earth trong Wall-E (2008) tại Oscar, nhưng cuối cùng lại thay đổi vì chỉ được phép hát… 65 giây. Một mẹo khác Oscar hay sử dụng là biến thành liên khúc hoặc cắt giảm thời lượng. Vào năm 2013, Adele được phép trình bày toàn bộ Skyfall, hai bài hát khác thành một liên khúc còn hai kẻ xấu số còn lại thì bị ngó lơ.
Năm 2015, nữ ca sĩ Anohni đã tẩy chay lễ trao giải khi biết được ca khúc của cô sẽ không được trình bày như những đối thủ khác. Lý do Viện Hàn lâm chỉ cho phép 2 ca khúc được biểu diễn cũng khá dễ hiểu khi thời lượng chương trình quá dài và cần được cắt giảm. Do đó, họ chỉ cho những cái tên đáng chú ý được bước lên sân khấu và mặc kệ số còn lại.
Tuy nhiên, họ đã quên rằng Oscar là một chương trình truyền hình cần tính giải trí thay vì chỉ chăm chăm vào trao giải và người thắng cuộc. Loại bỏ các màn trình diễn âm nhạc là phương án cuối cùng mà Viện Hàn lâm nghĩ đến.
Oscar năm nay dự kiến sẽ không có người dẫn chương trình. Do đó mà phần mở đầu sẽ chẳng có một màn hài độc thoại dài dòng mà thay vào đó là đoạn băng thu hình trước hoặc phần âm nhạc dẫn dắt. Chắc chắn sẽ có những phần của chương trình chỉ để giải trí và kết nối các hạng mục. Vậy tại sao không chèn các ca khúc được đề cử vào đó?
Nếu giữ các bài hát, hãy để những người đã thể hiện trong phim được quyền biểu diễn chúng trên sân khấu lớn. Không ai có quyền hát The Place Where Lost Things Go thay cho Emily Blunt hay When A Cowboy Trades His Spurs For Wings với Tim Blake Nelson và Willie Watson cả. Đây chẳng phải ý nghĩa của Oscar sao?
Oscar là nơi tôn vinh những hoạt động xuất sắc trong lĩnh vực điện ảnh và tất cả những ai góp công đều đáng được mọi người biết đến.
Nguồn: Kenh 14