Năm 1981, cả Đài Truyền hình Trung Ương Trung Quốc bấn loạn vì một tin: Nhật Bản đã làm xong bản phim Tây Du Ký của họ. Ai cũng biết quyển tiểu thuyết của Ngô Thừa Ân là một trong tứ đại kì thư của đại lục, sao có thể để người Nhật vượt mặt? Lãnh đạo đài bèn tìm đến ngay Dương Khiết, hỏi: “Cô có thể làm phim Tây Du Ký hay hơn người Nhật được không?” Nữ đạo diễn trả lời: “Lãnh đạo, yêu cầu của anh thấp quá đấy!”
Nhiều năm sau, cho đến ngày Dương Khiết qua đời 15/4/2017 vừa qua, gần như bộ phim truyền hình Nhật Bản kia đã bị quên lãng. Với tựa Money Magic (Đại Thánh thần thông), tác phẩm của hãng Nippon Television từng gây được tiếng vang, vượt qua cả biên giới Nhật để trình chiếu ở tận Nam Mỹ xa xôi. Tuy nhiên, khi bản phim của Dương Khiết ra mắt vào năm 1986, nó hoàn toàn bị đánh bạt đi. Nữ đạo diễn đến từ Hồ Bắc không chỉ hoàn thành, mà còn vượt xa yêu cầu của các lãnh đạo. Với hơn 3.000 lần phát sóng khắp thế giới trong suốt 30 năm qua, Tây Du Ký 1986 trở thành bản phim kinh điển, được yêu mến nhất, không có tác phẩm lấy đề tài Tây Du nào sánh bằng.
Sinh năm 1929, Dương Khiết thuộc thế hệ đạo diễn đầu tiên của Trung Quốc. Khác với các đồng nghiệp lừng lẫy cùng thời như Vương Phù Lâm hay Trương Thiệu Lâm, bà chưa bao giờ theo học lớp điện ảnh chính thống nào. Tất cả kiến thức đều là Dương Khiết tự học từ các tài liệu của Học viện Điện ảnh. Khi xin vào làm việc tại Đài, bà cũng không phải đạo diễn phim, mà thuộc bộ môn hý khúc, một loại hình ca kịch cổ.
Dương Khiết có tình yêu vô bờ với phim ảnh. Ước mơ suốt đời của bà là được chuyển thể Hồng Lâu Mộng, tiểu thuyết yêu thích ngày bé, thành phim truyền hình. Tuy nhiên, yêu cầu này của bà luôn bị các lãnh đạo gạt bỏ. “Hãy để những người có chuyên môn làm việc đó,” họ thường nói thế. Tác phẩm này về sau được giao cho Vương Phù Lâm, khiến bà rất tức giận. Tây Du Ký đến tay Dương Khiết chỉ vì không ai muốn làm. Trong tứ đại kì thư, đây là tác phẩm nhiều yếu tố hư ảo nhất, lại có cốt truyện hành trình, vất vả về bối cảnh và trang phục. Nhưng với tính cách mạnh mẽ, và không muốn bị xem thường, bà quyết tâm phải làm cho bằng được.
Ở thời kì mà “phim truyền hình” còn xa lạ, kinh phí hạn hẹp, kĩ xảo lạc hậu, hành trình hoàn thành Tây Du Ký có lẽ gian khổ không kém chuyến thỉnh kinh của thầy trò Đường Tăng. Giống như loạt Star Wars (Chiến tranh giữa các vì sao) của phương Tây, các câu chuyện hậu trường của Tây Du Ký vẫn còn được kể mãi, trở thành giai thoại. Như việc suốt 6 năm trời, cả đoàn phim chỉ sử dụng một máy quay duy nhất, do chồng Dương Khiết là Vương Sùng Thu sử dụng. Kinh phí 3 triệu nhân dân tệ tiêu hết nhanh chóng mà phim chưa xong, nữ đạo diễn phải tự huy động tiếp 3 triệu để quay. Cả đoàn rong ruổi hết 26 địa điểm tự nhiên ở Trung Quốc và Thái Lan, ăn ngủ trong rừng núi, gặp đủ thứ tai nạn trong lúc ghi hình…
Để lèo lái hàng trăm con người vượt qua những khó khăn đó, cần đến một tinh thần thép và bản lĩnh phi thường. Dương Khiết thường xuyên phải tranh cãi với cả các lãnh đạo và cấp dưới, để giữ vững ý đồ nghệ thuật của mình. Bà là người đã đấu tranh đến cùng để giữ lại ca khúc Hoan nhạc Hoa Quả Sơn nổi tiếng trong phần nhạc phim, khi cấp trên bắt bỏ đi vì mang âm hưởng điện tử hiện đại. Bà cũng quyết tâm đòi phải được ra ngoại cảnh ghi hình, dù bị Đài truyền hình nghi ngờ là cả đoàn “lợi dụng công tác đi chơi”. Mâu thuẫn lớn nhất là khi Dương Khiết định đốt một bối cảnh chùa lớn, trong khi người sản xuất chỉ muốn dùng mô hình giấy. Hai người cãi nhau dữ dội, và cuối cùng, vị kia tức giận… nhường luôn chức sản xuất cho bà tự xoay sở.
Nhưng điều khó khăn nhất là mối quan hệ với các diễn viên. Ngay từ đầu, Dương Khiết là người phải lặn lội khắp nơi để tìm từng người một, sao cho đúng khí chất vai diễn. Trong quyển hồi kí Dương Khiết: Ba mươi năm Tây Du Ký xuất bản năm 2012, bà có kể lại chi tiết quá trình khó như “mò kim đáy bể” này. Như để tìm thấy Lục Tiểu Linh Đồng, Dương Khiết đã phải hỏi han, đến tận nhà từng diễn viên từng đóng Mỹ Hầu Vương trên sân khấu kịch trước đây. Bà cũng phải dắt Uông Việt vào chùa suốt mười ngày, để ông học cách trở thành Đường Tam Tạng. Hay như Trư Bát Giới, phải qua hàng chục lần giới thiệu tới lui, bà mới có một Mã Đức Hoa cực kì phù hợp… May mắn rằng, đó là thời kì các diễn viên đều xuất phát từ các đoàn văn công, không hề phân biệt chính phụ hay có tư tưởng ngôi sao. Nhờ đó, Dương Khiết xây dựng được không khí gia đình ấm cúng trong đoàn, mọi người cùng gắng sức vì thành tựu chung.
Tuy vậy, không phải không có những lần bà tức giận đến nghẹn lời với họ. Đó là khi Uông Việt “bỏ của chạy lấy người” khi vừa quay xong tập Ba lần đánh Bạch Cốt Tinh. Ông nhận được lời mời đóng phim điện ảnh hấp dẫn hơn và quyết định bỏ đoàn. Vai Đường Tăng thứ hai do Từ Thiếu Hoa đảm nhiệm cũng lâm vào cảnh tương tự, khi ông yêu sách đủ điều để được theo học tại trường Nghệ thuật Bắc Kinh. Chỉ có Trì Trọng Thụy, vị sư phụ cuối cùng tình cờ được chọn ra từ nhân viên trong đoàn, là gắn bó đến khi kết thúc. Có lẽ vì thế mà hiện tại, Trọng Thụy là người có cuộc sống sung túc nhất, khi lấy được vợ là tỉ phú hàng đầu Trung Quốc. Trong khi ở tuổi 60, hai người kia vẫn phải dựa vào hình ảnh Đường Tăng để kiếm sống.
Điều ít người biết là suốt 10 năm đầu Tây Du Ký phát sóng và thành công rực rỡ, Dương Khiết không xem một tập nào. “Nếu bật ti vi lên mà thấy, tôi sẽ tắt. Vì nó nhắc tôi nhớ đến quá nhiều sự thất vọng và nỗi buồn, sự cực khổ và cả giận dữ,” bà viết trong quyển hồi kí. Vốn phải phẫu thuật vì bệnh phổi ngay từ năm 24 tuổi, quá trình làm phim đã ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe bà sau này. Nhiều năm trước khi mất, Dương Khiết phải chống chọi với bệnh tim, cao huyết áp và tiểu đường.
Dù thành công rực rỡ, Tây Du Ký cũng không mang lại cho bà sự hài lòng hay danh tiếng rộng rãi. Nó không khỏa lấp được giấc mơ phim ảnh trong bà. “Nếu phải chọn giữa Tây Du Ký và Hồng Lâu Mộng, nhất định tôi sẽ làm Hồng Lâu Mộng,” Dương Khiết nói. Mỗi khi nhớ lại hành trình thỉnh kinh, bà chỉ có cảm giác nuối tiếc vì những cảnh quay chưa vừa ý, hay 5 tập phim phải cắt bỏ vì thiếu kinh phí. 10 năm sau bản phim gốc, Dương Khiết nỗ lực hoàn tất những gì dang dở, khi tập hợp các diễn viên cũ lại trong phần 2 Tây Du Ký Tục Biên. Tiếc rằng lần này, dù kĩ xảo và kinh phí đầy đủ, phim lại thất bại vì không còn cái “hồn” của những ngày xưa cũ.
Dương Khiết sống những năm cuối đời trong sự yên lặng. Ngược với các diễn viên trong phim, dù chính hay phụ đều nhận được sự quan tâm, bà lại ít được biết đến bên ngoài giới phim ảnh. Nhiều người thậm chí còn không biết Dương Khiết là phụ nữ. “Phim thành công, diễn viên được vinh danh, được tặng hoa, chỉ còn tôi vẫn là người cô đơn nhất,” bà từng cám cảnh với giới báo chí như thế. Dù rằng “nếu không có Dương Khiết, chắc chắn sẽ không có Tây Du Ký” như lời Lục Tiểu Linh Đồng chia sẻ khi biết tin bà qua đời.
Điều an ủi là, có lẽ giống như Đường Tăng, cuối cùng Dương Khiết cũng ngộ ra chân lí ở đời. Trong một chương trình truyền hình năm 2004, một phóng viên đã hỏi bà về điều đọng lại về bộ phim đã đi vào lịch sử. “Tôi chỉ nhớ đến hai câu thơ trong bài Nếu đời nỡ dối lừa em của Pushkin: Tất cả chỉ là khoảnh khắc/Tất cả rồi sẽ trôi đi…” Dương Khiết trả lời. “Tôi nghĩ mọi thứ qua rồi đều thành kỉ niệm. Ta sẽ giữ những ngày tháng ấy trong tâm hồn, như những điều thân thương nhất. Vì đó là mối lương duyên trong đời.”
Nguồn: 35mm
Minh Phương- ATP Software