Điều gì khiến cho một gia đình đầm ấm ở chốn thôn quê có thể tan nhà nát cửa? Ông chồng rượu chè cờ bạc, bà vợ vụng về, không đảm đang hay những đứa con ngỗ ngược khó dạy bảo? Với Sunrise: A Song of Two Humans, câu trả lời trực diện và vô cùng thuyết phục: Sự xuất hiện của kẻ thứ ba.
Ngay từ mở đầu, bộ phim đã giới thiệu rằng: “Đây là bài ca của một người đàn ông và vợ của anh ấy, không hề cụ thể nhưng bạn có thể nghe thấy ở khắp mọi nơi, trong bất kỳ thời gian nào”. Chắc đó cũng là lý do vì sao những nhân vật trong phim không mang tên riêng xác định mà chỉ được gọi là người đàn ông (George O’Brien), người vợ (Janet Gaynor), người phụ nữ đến từ thành phố (Margaret Livingston), bà bảo mẫu, thợ chụp ảnh….
Dựa trên truyện ngắn The Excursion to Tilsit của Hermann Sudermann, được chắp bút bởi biên kịch Carl Mayer cùng đạo diễn lừng danh F. W. Murnau – những “người cha đỡ đầu” của chủ nghĩa biểu hiện Đức và phong cách kammerspiel trong điện ảnh, Sunrise: A Song of Two Humans phô bày trước mắt khán giả mọi thăng trầm trong đời sống hôn nhân của đôi vợ chồng trẻ đã có với nhau đứa con nhỏ, chỉ vỏn vẹn chưa đầy hai ngày với thế giới trong phim. Cuộc sống của họ bắt đầu thay đổi từ khi có cô khách lạ đến từ thành phố dụ dỗ anh chồng. Hàng loạt tình huống bất ngờ xảy đến.
Sự thật, người phụ nữ sang trọng, quyến rũ đến từ thành phố, với lối sống phóng khoáng và ý nghĩ táo bạo, không phải là nguyên nhân chính khiến một tổ ấm lung lay. Ả ta đại diện cho những cám dỗ bên ngoài cánh cửa bước vào nhà. Kẻ duy nhất khiến gia đình tan vỡ chính là các thành viên trong gia đình. Phim là một cuộc thử thách: Liệu tình yêu thắng được những dục vọng hèn yếu, luôn tồn tại trong mỗi con người?
George O’Brien vô cùng thành công khi khắc họa một ông chồng với lớp lang nội tâm giằng xé, khi là một kẻ ngoại tình mang khuôn mặt quỷ, lúc lại là anh chồng lúng túng dỗ dành vợ trong vòng tay trìu mến. Nam diễn viên điển trai có khả năng đánh lừa khán giả ở những phân đoạn kịch tính mà nếu bạn đi theo lối mòn của suy nghĩ thông thường sẽ sa vào bẫy ngay. Đến tận cuối phim, nếu bạn không giữ được cái đầu tỉnh táo, có lẽ bạn sẽ nghĩ ngay tới một cái kết bi lụy.
Còn với Janet Gaynor, không thể coi đó là may mắn khi bộ phim này đem lại cho cô tượng vàng Oscar Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất trong mùa đầu tiên năm 1929. Một cô vợ tần tảo chăm lo chồng con, vị tha và giàu lòng trắc ẩn, cũng thật đáng thương.
Mùa Oscar năm 1929 còn ưu ái dành cho Sunrise: A Song of Two Humans thêm hai tượng vàng: Giải Oscar cho Phim độc đáo và nghệ thuật nhất và Giải Oscar cho quay phim xuất sắc nhất, phim trắng đen. Đây là giải thưởng xứng đáng dành cho ekip của phim, đặc biệt chứng tỏ cái bắt tay giữa hãng William Fox của Mỹ và đạo diễn Đức F. W. Murnau là hoàn toàn sáng suốt. Đó là sự kết hợp tài tình, phá cách độc đáo giữa chất giải trí của Hollywood với chủ nghĩa biểu hiện Đức đang thịnh hành. Chút lãng mạn, tình cảm hài với cấu trúc các hồi chặt chẽ điển hình của Hollywood pha trộn với lối làm phim đi sâu vào tìm tòi, thấu hiểu thế giới phức tạp bên trong của con người, qua cách thể hiện liên tục phá vỡ lối mòn của chủ nghĩa biểu hiện Đức. Nếu muốn biết đạo diễn F. W. Murnau có đánh mất mình trên đất Mỹ hay không, khán giả chỉ cần xem kỹ một vài phân đoạn đặc biệt. Câu trả lời sẽ nằm ở cách chất vấn mang màu sắc siêu thực trong lần đấu tranh nội tâm quyết liệt của anh chồng, cùng cái nhìn cường điệu về thành phố qua cuộc dạo chơi của hai vợ chồng.
Sunrise: A Song of Two Humans là một trong những tác phẩm điện ảnh đầu tiên của “kỷ nguyên câm lặng” có sử dụng đồng bộ dàn nhạc và hiệu ứng âm thanh chèn vào, thay vì mở phát song song khiến đôi khi hình một nơi nhạc một nẻo như cách làm phim phổ biến trước đó. Những bản nhạc của Chopin, Charles Gounod, Hugo Riesenfeld, Ernö Rapée… uyển chuyển theo cung bậc cảm xúc của nhân vật. Tiết tấu dồn dập trong những cảnh hồi hộp, nhẹ nhàng du dương với cảnh âu yếm lãng mạn và gây xúc động mạnh khi sử dụng nhạc tang lễ tạo hiệu ứng về ám ảnh lỗi lầm. Tiếng chuông nhà thờ vang lên đúng lúc anh chồng đứng trước ranh giới của thiện – ác, tôi gọi đó là hồi chuông cảnh tỉnh.
Với tôi, Sunrise: A Song of Two Humans gần như là một bộ phim hoàn hảo về chủ đề gia đình, nhắc nhở con người biết trân trọng những giá trị tình thân, thay vì chạy theo những bong bóng xà phòng của dục vọng. Tôi chỉ có đôi chút tiếc nuối: Nếu như người phụ nữ đến từ thành thị có nhiều đất diễn hơn, ả ta tung nhiều ngón nghề thâm độc hơn và những phân đoạn dạo chơi thành phố của đôi vợ chồng được rút ngắn lại, phim sẽ kịch tính và mang tính thử thách hơn nhiều. Nhưng dù sao, đây cũng là một bộ phim câm đen trắng đáng xem, khiến bạn có những trải nghiệm điện ảnh thú vị. Nhất là những cặp đôi đang yêu, những đôi vợ chồng không phân biệt tuổi tác hay những người đang manh nha ý định ngoại tình…
Nguồn: 35mm