Tái hiện lại giai thoại về Trạng Quỳnh – một nhân vật nổi tiếng chốn dân gian từ lâu đã có ảnh hưởng trong lòng người dân Việt Nam, bộ phim mang đến một màu sắc mới, thổi hồn vào những câu chuyện và tạo được sự khác biệt so với các phim mùa Tết.
Trở lại với màn ảnh rộng đầu năm 2019, đạo diễn bạc tỷ Đức Thịnh mong muốn mang màu sắc, hình ảnh làng quê và con người Việt Nam xưa lên màn ảnh để đem lại một luồng gió mới cho nền điện ảnh nước nhà. Với kinh nghiệm thử sức ở dòng phim hài từ các tác phẩm trước, điển hình là bộ phim phá đảo phòng vé mùa xuân năm ngoái Siêu Sao Siêu Ngố thì đây cũng được coi là một bước đột phá mới trong sự nghiệp của anh khi dám mạnh tay đầu tư để thử sức ở thể loại phim cổ trang.
Trailer Trạng Quỳnh.
Đồng hành cùng đạo diễn Đức Thịnh lần này có sự góp mặt của nam diễn viên trẻ mới nổi trong thời gian gần đây – Quốc Anh trong vai Trạng Quỳnh – một nhân vật nổi tiếng trong dân gian bởi đầu óc nhanh nhạy, mưu trí, giỏi giang và nhiều tài lẻ nhưng lại vô cùng lém lỉnh, thích trêu đùa mọi người. Tiếp đến là sự trở lại của Nhã Phương trong vai Điềm – một nữ tử nhà học thức, xinh đẹp, giỏi giang và là con gái của thầy Đoàn (thầy của Quỳnh).
Ngoài ra, phim còn có sự xuất hiện của Trấn Thành trong vai Xẩm – anh bạn thân nghĩa tình nhưng có phần hơi trẻ con hứa hẹn mang đến những phút giây vui nhộn cho khán giả. Bên cạnh đó, Khả Như thể hiện nhân vật Liễu – một người phụ nữ lẳng lơ với mối họa khôn lường. Vai phản diện lần này đặt vào tay Công Dương với nhân vật Trịnh Bá ngang tàn hống hách, ỷ lại vào dòng dõi Chúa Trịnh mà gây bao điều ác.
Phim là lời kể của nhân vật Xẩm về người bạn thân Trạng Quỳnh với cuộc hành trình đi tìm công lý, lẽ phải của bộ ba Quỳnh, Điềm và Xẩm vì cứu cha nói riêng và vì một xã hội công bằng, một cuộc sống bình đẳng cho người dân lúc bấy giờ.
Câu chuyện bắt đầu khi cha của Điềm là thầy Đoàn – một thầy dạy chữ đã từng chỉ bảo cho Quỳnh lẫn Trịnh Bá, tuy nhiên vì ngỗ nghịch nên cả hai đều bị thầy đuổi học. Từ đó Trịnh Bá ôm mối hận, lại thêm việc hắn ta yêu thích nàng Điềm nhưng bị nàng năm lần bảy lượt từ chối nên đã cố tình bày mưu, vu oan cho thầy Đoàn tội gian dâm, bắt vào ngục tù để uy hiếp Điềm.
Nhìn người mình yêu gặp nạn, Quỳnh sẵn tính bộc trực đã mang theo người bạn chí cốt là Xẩm rồi cùng Điềm lên đường đi cáo trạng, đòi lại công bằng cho cha nàng. Từ đó, Quỳnh và Điềm có nhiều thời gian tìm hiểu nhau, nảy sinh tình cảm và kéo theo hàng loạt những phút giây cảm động lẫn những tình huống dở khóc dở cười của bộ ba này.
Lấy bối cảnh làng quê Việt Nam non nước hữu tình, Trạng Quỳnh đã khéo léo lột tả những đường nét sinh động, danh lam thắng cảnh đất Việt hùng vĩ khiến khán giả phải trầm trồ. Tuy nhiên cách đặt góc máy chưa ổn dẫn đến những thước phim đầu có phần hơi lúng túng, xuất hiện bóng mờ gây khó chịu cho người xem.
Học hỏi kỹ thuật ảnh động Cinemagraph từ bộ phim truyền hình ăn khách Diên Hy Công Lược nhưng Trạng Quỳnh đã tạo được điểm độc đáo riêng từ những hình ảnh quảng bá đầu tiên trong loạt teaser, trailer khi biết tận dụng background tranh thủy mặc và hình ảnh sen, tre đậm chất Việt Nam.
Màu sắc của phim được chọn lựa khá công phu, phù hợp với không gian và thời gian, đồng thời thể hiện được nét độc đáo của trang phục cổ trang Việt Nam. Phục trang trong phim được đầu tư, nghiên cứu khá kỹ lưỡng và thay đổi theo từng thời kỳ, diễn biến tâm lý giúp cho diễn viên cơ động hơn trong các cảnh quay và dễ dàng hòa vào cảm xúc của nhân vật.
Kịch bản phim khá ổn định, tuy cũ mà mới do chuyện phim được thể hiện lại qua lời kể của nhân vật Xẩm, khiến cho khán giả hiểu biết về những câu chuyện dân gian xoay quanh Trạng Quỳnh không bị nhàm chán. Những tình huống mới được thêm thắt, biến tấu đã tăng độ hấp dẫn và khiến mạch truyện không quá dễ đoán với khán giả.
Một điểm đáng khen cho bộ phim Trạng Quỳnh chính là phần lời thoại của phim, biên kịch đã khéo léo đặt để, sử dụng lời thoại phù hợp với bối cảnh phim lúc bấy giờ mà không quá khô cứng, tạo cảm giác khá dễ chịu. Tuy có một số lời thoại thiên về đối đáp thơ nhưng cũng được đơn giản hóa hết mức có thể hoặc được nhân vật chú thích lại nên không gây khó hiểu, khúc mắc cho người xem.
Về phần nhạc phim, ekip Trạng Quỳnh cố gắng lồng ghép những lời thơ phổ thành nhạc, tuy nhiên giai điệu lại quá hiện đại nên người xem cần nhiều thời gian hơn để cảm nhận được âm nhạc trong phim.
Một số khuyết điểm nho nhỏ xuất hiện trong phim phải kể đến là bối cảnh trong nhà, không gian sinh hoạt và phòng ốc còn khá ít, chưa phong phú so với ngoại cảnh đồ sộ, hùng vĩ của nước ta. Bên cạnh đó việc ekip cố gắng để bộ phim phù hợp với khán giả Việt trong dịp Tết mà mang đến một kết thúc khác qua lời Xẩm kể dù chấp nhận được nhưng vẫn thiếu logic so với thực tế.
Đồng thời, như bao bộ phim Việt khác, Trạng Quỳnh vẫn chưa thể xử lý tốt các yếu tố đồ họa, kỹ xảo khiến cho một số phân cảnh còn thiếu thực tế, chưa được chân thật và khán giả xem phim dễ dàng nhận thấy sự xử lý hình ảnh chưa khéo léo này.
Có thể nói đạo diễn Đỗ Đức Thịnh khá mạo hiểm khi giao hai vai diễn nặng ký cho hai nam diễn viên trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm như Quốc Anh và Công Dương nên đôi chỗ còn khá gượng, chưa lột tả nhân vật một cách hoàn hảo mà chỉ ở mức tạm ổn.
Tuy Trạng Quỳnh là một bộ phim chưa thực sự hoàn hảo, đáp ứng kỳ vọng của người xem về một bom tấn cổ trang đậm nét làng quê Việt Nam nhưng cũng đã mang lại được những tràng cười sảng khoái, những phút giây thư giãn cùng chiêm ngưỡng núi non hùng vĩ của trời Nam chúng ta bao đời nay.
Không chỉ là một câu chuyện tình yêu sâu đậm, sẵn sàng hi sinh và đấu tranh vì nhau, Trạng Quỳnh còn mang đến một tình bạn đẹp đẽ, keo sơn và một niềm hi vọng cho những người trẻ có tài, những con người ngày đêm đèn sách mong được cống hiến cho quốc gia, xã tắc, được đỗ công danh – lập nghiệp lớn cho xứng đáng với “chí làm trai” mà người xưa vẫn quan niệm.
Nhìn chung, Trạng Quỳnh cũng là một bước đi mới, đáng nhận được sự khích lệ trong việc tiếp nối chặng đường chinh phục thể loại phim cổ trang nói riêng và nâng tầm nền điện ảnh Việt Nam nói chung.
Theo 123Phim