Từ Babe đến Sing, những chú heo trên màn ảnh sở hữu sắc thái muôn màu không thể không yêu.
Những chú heo béo ục ịch với làn da hồng hào, cái đuôi cong cong ngoe nguẩy đã từng được các nhà làm phim Á -Âu đưa lên màn ảnh. Ở đó, chúng đôi khi là thú cưng với sư thông minh lanh lẹ, đôi lúc lại là kẻ xấu tính khó ưa với tập tính “ăn nhiều, ngủ lắm” hay chỉ đơn giản là nguồn thực phẩm của loài người.
Nhân dịp năm mới Kỉ Hợi 2019, hãy cùng điểm qua một vài hình ảnh về loài heo trên phim nhé!
1. Babe (Chú heo chăn cừu, 1995)
Được chuyển thể từ tiểu thuyết The Sheep-Pig của nhà văn Dick King-Smith, Babe là một trong những bộ phim nói về loài heo xuất sắc nhất.
Nội dung phim xoay quanh cuộc đời gian truân nhưng phi thường của Babe – một chú heo con may mắn thoát chết trong lễ hội giết thịt và được người nông dân tên Arthur Hoggett mang về nông trại nuôi nấng. Babe sống cùng với Fly, một cô chó chăn cừu cùng đàn con của nó. Theo thời gian, Babe dần lớn lên và trở thành kẻ chiến thắng trong cuộc thi ‘Chó chăn cừu’ hàng năm.
Babe còn có một phần sequel với tên gọi Babe: Pig in the City.
Heo thắng giải của chó chăn cừu. Vâng, bạn không đọc nhầm đâu. Bộ phim Australia do đạo diễn Chris Noonan thực hiện đã mang đến cho người xem một hành trình vừa hài hước vừa thú vị, nhưng cũng lắm bất ngờ cùng vài khoảnh khắc đau đớn nghẹn lòng.
Babe là chú heo mồ côi đã vượt qua số phận tầm thường của chính mình bằng sự thông minh, cùng thái độ hòa nhã, vui vẻ với những sinh vật sống cùng với nó, bao gồm cả con người. Phim từng nhận được 7 đề cử Oscar và giành chiến thắng ở hạng mục Hiệu ứng hình ảnh xuất sắc. Ở Việt Nam, Babe từng được mua bản quyền và phát sóng trên kênh HTV3.
Babe và bộ phim hao hao giống nó với tên gọi Gordy – cũng là một câu chuyện về một chú heo đặc biệt.
2. Animal Farm (Nông trại Súc vật, 1954)
Quyển tiểu thuyết trào phúng, chỉ trích sự tha hóa của giới cầm quyền do nhà văn Anh George Orwell sáng tác và phát hành vào năm 1945 vẫn luôn được xem là một trong những tác phẩm văn học có ý nghĩa vượt thời đại. Bộ phim hoạt hình cùng tên, sản xuất vào năm 1954 là lần đầu tiên câu chuyện trong Animal Farmđược đưa lên màn ảnh.
Snowball và Napoleon – những thủ lĩnh trong Nông trại Súc vật.
Animal Farm là cuộc cách mạng diễn ra trong khuôn viên một trại gia súc, do hai chú heo Snowball và Napoleon đồng lãnh đạo. Cả hai đã tống cổ chủ trại con người, đổi tên trại từ “Trại Manor” thành “Trại súc vật”, lập ra Bảy điều răn để giáo dục, nhắc nhở các con vật khác. Tuy nhiên, nền hòa bình và bình đẳng mà chúng lập ra nhanh chóng bị tan vỡ khi Napoleon thâu tóm quyền lực, ép buộc Snowball bỏ đi.
Animal Farm là bộ phim hoạt hình dành cho người lớn hơn là trẻ em. Vì những ẩn dụ, ví von của trang trại gia súc cũng y hệt như đang nói về bản chất của xã hội loài người. Đặc biệt là bảy điều răn, điều cuối cùng và quan trọng nhất “Tất cả mọi loài vật đều bình đằng” liên tục được nhắc đi nhắc lại. Nhưng có một số loài lại có nhiều quyền hơn các loài khác, và những chú heo lãnh đạo cuối phim lại càng lúc càng giống con người.
3. Charlotte’s Web (Chú heo chạy trốn, 2006)
Charlotte’s Web là tác phẩm văn học thiếu nhi rất được yêu thích và đã được chuyển thể lên màn ảnh nhiều lần.
Lại thêm một bộ phim về heo được chuyển thể từ tiểu thuyết. Charlotte’s Web có nhân vật chính là chú heo Wilbur đáng yêu. Nhưng dù tỏ ra thông minh, lanh lợi ra sao thì Wilbur cũng không thể tránh khỏi việc phải làm đúng phận sự của mình: trở thành bữa ăn cho con người vào dịp lễ hội cuối năm.
Tuy nhiên, nhà văn E.B.White đã trao cho Wilbur hai người bạn là chú nhện Charlotte và cô bé Fem. Cùng nhau, cả ba đã tạo ra hành trình chạy trốn vô cùng thú vị, hấp dẫn. Phim nhẹ nhàng, đáng yêu và thích hợp cho các em nhỏ.
Dakota Fanning và bạn diễn đặc biệt.
4. The Damn Keeper (Chú heo giữ đập, 2014)
Một bộ phim hoạt hình ngắn với thời lượng vỏn vẹn 18 phút nhưng đủ sức khiến trái tim bạn phải tan chảy. Phim xoay quanh một chú lợn nhỏ làm công việc canh gác một chiếc đập xay gió, bảo vệ thị trấn khỏi đám mây ô nhiễm đang chực chờ bao phủ. Dù vậy, heo con vẫn phải chịu đựng sự xa lánh từ mọi người cùng nạn bắt nạt của đám bạn đồng lứa vì vẻ ngoài nhem nhuốc, dơ bẩn. Mọi chuyện chỉ thay đổi khi ngày nọ, một bạn cáo chuyển đến thị trấn.
The Damn Keeper là câu chuyện về một chú heo bị kì thị, bắt nạt và cô đơn.
Phim sử dụng mô hình đất sét, kết hợp với hơn 8.000 bức vẽ bằng sơn dầu cùng nét màu tươi sáng rực rỡ, tạo cảm giác dễ thương và sống động. The Damn Keeper từng được đề cử Phim hoạt hình ngắn xuất sắc tại Oscar năm 2015.
5. Porco Rosso (Chú heo màu đỏ, 1992)
Phi công mặt heo anh dũng bên chiếc máy bay đỏ thương hiệu.
Bạn có biết, trong gia tài hoạt hình đồ sộ của hãng phim nổi tiếng Ghibli, đã từng có một câu chuyện về vị anh hùng heo dũng cảm. Lấy bối cảnh vào Chiến tranh thế giới thứ nhất, phim xoay quanh một phi công lái máy bay chiến đấu trở thành một thợ săn tiền thưởng, truy lùng những tên cướp máy bay trên vùng biển Adriatic. Người phi công có tên là Marco Pagot, luôn lái máy bay màu đỏ nhưng gặp phải một lời nguyền và mang gương mặt của một con heo. Vì thế, người ta gọi ông là Porco Rosso (trong tiếng Ý có nghĩa là Lợn Đỏ).
‘Tôi thà làm một con heo, còn hơn làm một tên phát xít.’ – Câu thoại nổi tiếng của phim
Porco Rosso là bộ anime hiếm hoi mà đạo diễn Hayao Miyazaki sử dụng bối cảnh lịch sử và địa lí có thật. Bản thân nhân vật Marco cũng là một anh hùng trong chiến tranh thế giới thứ nhất.
6. Okja (Siêu lợn, 2017)
Bộ phim trị giá 50 triệu USD của Netflix là câu chuyện về một cô bé dũng cảm, vượt qua mọi hiểm nguy để giải cứu người bạn thân của mình – một chú lợn khổng lồ có tên gọi Okja. Phim quy tụ dàn diễn nổi tiếng đến từ hai quốc gia Hàn và Mỹ như Tilda Swinton, Jake Gyllenhaal, Seo-hyun Ahn.
Okja được tạo hình dựa trên loài heo kết hợp với voi.
Okja là tác phẩm có thể khiến người xem trải qua hai cung bậc cảm xúc trái ngược. Đoạn đầu phim ngập tràn sự vui tươi, hài hước khi cô bé Mija có cuộc sống hạnh phúc, êm đềm cùng Okja trong không khí thiên nhiên tươi đẹp. Nhưng nửa sau của phim lại là một chuỗi những sự thật trần trụi về ngành công nghiệp chăn nuôi, với đối tượng là các chú heo siêu thịt. Okja có thể khiến nhiều khán giả cảm thấy ‘mình không muốn ăn thịt nữa’. Đây cũng là phim hiếm hoi đề cập đến vai trò chủ yếu của loài heo trong cuộc sống của con người cũng như những cách thức tàn bạo mà chúng ta dành cho chúng.
7. Sing (Đấu trường âm nhạc, 2016)
Bộ phim hoạt hình ca nhạc do hãng phim Illumination Entertainment sản xuất đem đến hành trình đi tìm bản thân của 5 nhân vật khác nhau, gồm một chú chuột, một cô voi tuổi teen, một chú khỉ đột nhút nhát, một cô nhím nổi loạn và cuối cùng là một bà mẹ heo nội trợ.
Phim vui vẻ, hài hước và ngập tràn những bài hát được cover lại bởi dàn diễn viên lồng tiếng tài năng như Taron Egerton, Scarlett Johansson, Reese Witherspoon, Matthew McConaughey… Tạo hình và đặc điểm của các nhân vật được khắc họa sinh động, chân thật. Trong đó, cô heo mẹ gây ấn tượng với khả năng quán xuyến việc nhà cùng việc chăm sóc đàn heo con đông đúc. Bạn biết đó, ngoài chuyện ăn và ngủ thì heo còn nổi tiếng với việc ‘phá vỡ kế hoạch hóa gia đình’ mà.
8. The Angry Birds Movie (Những chú chim giận dữ, 2016)
Angry Birds là bộ phim hoạt hình được chuyển thể từ loạt game mobile nổi tiếng của hãng Rovio Entertainment, kết hợp sản xuất với hãng phim Sony. Phim xoay quanh cuộc sống yên bình của những chú chim-không-thể-bay trên một hòn đảo. Tuy nhiên, chúng trở nên điên loạn và hung dữ khi liên tục bị tấn công và trộm trứng từ một kẻ thù đầy tham lam. Bộ phim giải thích lí do tại sao lũ chim lại trở thành ‘angry bird’ – chim giận dữ. Và tội lỗi thuộc về lũ heo xanh nham hiểm.
Khi heo đi trộm trứng chim.
Trong phim, những đức tính như ham ăn, mê ngủ và có chút ngơ ngẩn của loài heo khiến chúng trở thành những kẻ phản diện nhưng không đáng ghét. Cuộc đua tranh giữa heo và chim tạo ra cho phim những tràng cười sảng khoái. The Angry Birds Movie có kinh phí 75 triệu USD nhưng thu về 350 triệu USD. Sự thành công đó giúp phim tiếp tục được sản xuất phần 2, ra mắt vào hè 2019.
Theo 123Phim