Nếu bạn băn khoăn liệu chưa xem bộ phim Mary Poppins (1964) thì có thể thưởng thức trọn vẹn Mary Poppins Trở Lại không, thì câu trả lời của người viết là hoàn toàn có thể. Mary Poppins Trở Lại (Mary Poppins Return) xứng đáng được nhìn nhận là một phim riêng đầy chất lượng, thay vì bị cái bóng của phần đầu tiên lấn át.
Tái xuất màn ảnh rộng sau hơn 50 năm, cô bảo mẫu Mary Poppins trở lại giúp đỡ gia đình Banks khi họ đang đánh mất những niềm vui trong cuộc sống vì sự ảnh hưởng của giai đoạn đại suy thoái tại London.
Một năm sau cái chết của người vợ Kate, hai anh em Michael (Ben Whishaw) và Jane Banks (Emily Mortimer) chật vật tìm cách giữ lại ngôi nhà của gia đình. Không can tâm chứng kiến cha mình phải chịu khổ, cặp sinh đôi Anabel (Pixie Davies) – John (Nathanael Saleh) cùng cậu út Georgie (Joel Dawson) cố gắng hết mình giúp cha với sự hỗ trợ của cô bảo mẫu Mary Poppins (Emily Blunt) từ trên trời rơi xuống và chú công nhân thắp đèn Jack (Lin-Manuel Miranda).
Mượn những yếu tố kỳ ảo từ phép màu, Mary Poppins Trở Lại kể một câu chuyện gia đình đầy cảm động và ý nghĩa qua những thước phim đầy màu sắc tươi vui cùng các ca khúc dễ thương. Bộ phim dễ dàng tiếp cận với các khán giả nhí bằng hình thức kể chuyện đặt vấn đề, tìm cách giải quyết, tình tiết được đẩy lên cao trào và cuối cùng là kết thúc có hậu.
Tuy có rất nhiều cảnh hát hò, nhảy múa nhưng điều này không hề khiến phim trở nên nhàm chán hay kén khán giả như nhiều bộ phim nhạc kịch khác mà trái lại, từng bài hát trong phim đều gắng với nội dung, giúp giải quyết vấn đề và sâu xa hơn là hàm ý giáo dục rất hay.
Nhìn từ góc độ của trẻ em, Mary Poppins Trở Lại y hệt một câu chuyện cổ tích với sự xuất hiện của cô tiên Mary Poppins, đưa các bé qua các cuộc phiêu lưu ảo diệu khiến chúng tin rằng phép màu là có thật.
Người viết đánh giá cao diễn xuất tự nhiên của 3 diễn viên nhí trong phim với những câu hỏi ngô nghê, thái độ hoài nghi trước phép màu hay cố gắng trở nên trưởng thành như một ông cụ non.
Phần lớn cốt truyện được kể qua góc nhìn của 3 bạn nhỏ này nên tạo được sự gần gũi với khán giả nhí với góc nhìn đơn giản, ngây ngô. Trong mắt trẻ em, phép màu thật sự tồn tại để giúp chúng giải quyết bất kỳ vấn đề nào đó.
Cộng với trí tưởng tượng bay xa, một buổi đi tắm của trẻ con có thể trở thành chuyến phiêu lưu xuyên đại dương, trở thành những người chinh phục biển cả. Cái hay của phim cũng không lạm dụng quá nhiều yếu tố kỳ ảo và đánh mất đi tính giáo dục vì phép màu chỉ thật sự hoạt động khi các bé thật sự cố gắng. Đây là một chi tiết hay ho mà các bậc phụ huynh có thể hướng dẫn con em khi coi phim để tránh rơi vào trường hợp lậm phim mà quên đi thế giới thật.
Nếu bạn là một khán giả trưởng thành và quyết định chọn bộ phim này để thưởng thức trong những ngày cuối năm, Mary Poppins Trở Lại hoàn toàn phù hợp. Bộ phim không chỉ mang lại cảm giác hoài niệm mà còn nhắc chúng ta về những điều nhỏ nhặt mà khi trưởng thành, chúng ta đã vô tình gạt đi.
Như đã nói ở trên, Mary Poppins Trở Lại rất dễ xem, dễ hiểu cho trẻ em nhưng với con mắt của một người lớn, phim không chỉ xoay quanh việc các thành viên trong gia đình giúp đỡ lẫn nhau mà còn có những tình tiết mà lồng vào đó là những thông điệp vô cùng ý nghĩa, sâu sắc hơn thế.
Ẩn dụ được lồng trong kỳ ảo và khi bóc tách được nó, người viết cảm thấy rất tâm đắc về bộ phim. Chính vì thế, 4 đoạn dưới đây sẽ phân tích thêm những thông điệp của phim mà có thể tiết lộ nội dung phim, độc giả chưa xem phim nên cân nhắc.
Thông điệp mà người viết tâm đắc nhất chính là đừng để những gánh nặng xoay quanh sự trưởng thành đánh mất ký ức đẹp đẽ của tuổi thơ mà nhân vật đại diện ở đây chính là Michael Banks. Trải qua một năm mất mát cùng những bộn bề lo toan, anh quên mất những điều bình dị tuyệt vời quanh cuộc sống, anh thậm chí quên đi cảm giác của một đứa trẻ tin vào phép màu và thậm chí khi Mary Poppins xuất hiện trước mặt, Michael không hề cảm thấy vui mừng mà dấy nên nỗi lo làm gì có tiền thuê bảo mẫu.
Sâu thẳm trong tim, Michael vẫn mong một phúc lành từ trên trời rơi xuống nhưng trước những biến cố dồn dập, bản thân anh cảm thấy hoài nghi và sẵn sàng gạt bỏ những hy vọng khi đối diện với thực tế khó khăn. Trước mặt con cái và chị Jane, Michael luôn tỏ ra anh có thể mạnh mẽ trước mọi sóng gió, vượt qua nỗi đau mất vợ nhưng người xem có thể cảm nhận được sự mệt mỏi của Michael khi anh phải gồng mình quá sức.
Nhân vật của Michael tồn tại để nhắc nhở khán giả trưởng thành rằng những điều nhỏ nhặt, bình dị từ xung quanh ta chính là phép màu mang lại hạnh phúc và đừng bao giờ quên rằng mình từng là một đứa trẻ với cách cảm nhận thế giới này giản đơn như thế nào.
Thông điệp tiếp theo chính là hãy thay đổi góc nhìn, sự việc cũng có thể thay đổi theo một chiều hướng khác tích cực hơn. Bà chị họ Topsy (Meryl Streep) của Mary Poppins rất giỏi sửa chữa đồ vật nhưng mỗi ngày thứ Tư thứ hai của tháng, căn nhà của bà bị đảo lộn dẫn đến tâm trạng khó ở, chẳng muốn làm gì hay tiếp xúc với ai.
Tuy nhiên, khi lộn ngược đầu cùng ngôi nhà, bà phát hiện ra mọi thứ còn đẹp đẽ và thú vị hơn. Nhờ góc nhìn đa chiều mà một món đồ có thể chỉ đáng vài xu với người này nhưng lại là vô giá với cả gia đình. Rõ ràng cả gia đình Banks luôn nhận được sự chào đón từ hàng xóm nhưng họ muốn giữ ngôi nhà này vì những kỷ niệm đẹp từng gắng liền với nó.
(còn tiếp)
Nguồn: Moveek