Khán giả sẽ bật cười thành tiếng rồi lại lặng yên xúc động khi thưởng thức Lady Bird (2017) – tác phẩm điện ảnh mới nhất của nữ đạo diễn / biên kịch Greta Gerwig.
Bộ phim này đã chiêu đãi người xem một bữa tiệc với đủ buồn vui, nơi chúng ta có thể khoan khoái tận hưởng chút hoài niệm về thời thiếu niên và quan trọng nhất: nhận ra hình ảnh bản thân thấp thoáng giữa những nhân vật của câu chuyện.
Nhưng đó có phải là tất cả? Câu hỏi ấy mới là thứ đang luẩn quẩn trong tâm trí tôi.
…….
Lady Bird (2017) là một bộ phim đề tài coming-of-age – nôm na là ba thứ chuyện tầm phào tào lao của đám thanh thiếu niên khi bước tới ngưỡng cửa trưởng thành, và nó cũng tập trung vào girl-power – chủ đề nữ quyền, với phong cách đầy hài hước mà lại ít khoa trương.
Nhân vật chính của câu chuyện: Christine McPherson (được thể hiện qua diễn xuất của Saoirse Ronan) – một nữ sinh trường Công Giáo lằm điều nhiều luật tại Sacramento (mang nghĩa Bí Tích / Thánh Thể trong tiếng Việt) – thủ phủ tiểu bang California, Hoa Kỳ.
Như mọi cô gái đồng trang lứa khác, Christine có những ước mơ thầm kín, nhiều suy nghĩ yêu – ghét phức tạp, kèm theo một tâm trạng thất thường. Nhưng vấn đề là cô ấy lại chọn cách bộc lộ tất cả qua nhiều trò nổi loạn táo tợn – không hề kiêng dè, cũng như khẳng định cái tôi bản thân bằng biệt danh Lady Bird (Điểu Nữ). Mọi hành động của cô trong phim đều toát lên cái vẻ: “Tôi muốn thứ này và tôi phải có được nó”. Chúng tương phản mạnh mẽ với bối cảnh xung quanh: tù tùng nhạt nhẽo & đậm sắc màu tôn giáo khô cứng.
Vậy Christine muốn gì?
I wish I could live through something
Một câu nói hết sức chung chung; “thứ gì đó” là tình yêu, cơ hội khẳng định bản thân hay được bước ra khám phá thế giới rộng lớn ngoài kia?
……
Khi đặt cạnh những bộ phim cùng đề tài coming-of-age nổi bật gần đây như The Edge of Seventeen (2016) hay The Perks of Being a Wallflower (2012), ta sẽ dễ dàng nhận ra Lady Bird có sự khác biệt khá lớn.
Đầu tiên là cách triển khai nội dung mới mẻ của Greta, thay vì chỉ tập trung xây dựng vào nhân vật nữ chính, cô lại vun xới – bồi đắp những mối quan hệ xung quanh Christine để làm nổi bật các vấn đề và cảm xúc trong Lady Bird. Bối cảnh của bộ phim là một thành phố nhỏ, nhưng khi chúng ta lần theo sợi dây liên kết sẽ phát hiện nó đã bị kéo chằng chịt; nơi tất cả những nhân vật phụ đều có cá tính và câu chuyện riêng.
Mối quan hệ giữa bố mẹ & con cái, giữa anh em trong gia đình.
Mối quan hệ giữa bạn bè.
Mối quan hệ giữa tình yêu thuần khiết & ham muốn thể xác.
Và còn nhiều hơn thế, chúng cứ đan xen vào nhau rồi kết thành cái tổ mà Christine trú ngụ bấy lâu, cũng là cái tổ mà con chim ấy muốn từ bỏ.
Trong những mối liên kết đó, đặc biệt nhất là tình cảm phức tạp giữa Christine và mẹ cô – Marion (Laurie Metcalf) – họ yêu thương và chán ghét nhau trong từng giây từng phút (hay nói cách khác: họ yêu nhưng không hề thích người còn lại). Nếu Christine thấy mẹ là một người thiếu ủng hộ con cái trong mọi trường hợp, cứng nhắc bảo thủ và quá nghiêm khắc; thì Marion cũng không thể giấu diếm chuyện bà thất vọng khi con gái ngày càng lộ rõ vẻ ích kỷ ương bướng và vô ơn. Nhờ khả năng phối hợp tốt, màn thể hiện của hai nữ diễn viên Saoirse và Laurie khá hoàn hảo, khi mỗi lời thoại và cử chỉ của họ – dù là trong lúc mâu thuẫn được đưa đến cao trào hay bùng nổ cảm xúc – đều vừa vặn, không khiến mạch phim bị gián đoạn hoặc gây hụt hẫng cho người xem.
…….
Sự trưởng thành theo thời gian hay những hành động nổi loạn của nữ nhân vật chính, đều không phải thứ khiến tôi nhớ về bộ phim.
Thực ra tác phẩm điện ảnh này làm tôi ấn tượng bởi vì nó cho thấy rằng: dù là thiếu niên hay người lớn, thì cũng phải đối mặt với những vấn đề tương tự nhau.
Thử vai cho vở nhạc kịch, tham gia kỳ thi toán, hay luôn chủ động bắt tay với các chàng trai; ấy thế mà chỉ cần ai nói điều gì chạm trúng yếu điểm, Christine sẽ ngay lập tức xù lông phản ứng bằng những lời lẽ nanh nọc để che dấu sự tự ti, thèm muốn được công nhận và quan tâm. Đôi lúc cô lừa dối người khác và tự huyễn hoặc bản thân để được hòa nhập vào thế giới “tuyệt vời” hơn bên những người bạn “cá tính”, nhưng rồi ngay lập tức lại nhận ra đấy là một niềm vui giả tạo.
Trong khi đó, bố Christine – người đàn ông tưởng chừng hiền lành và luôn sống tích tực, rút cục lại chọn cách giữ bí mật về những tổn thương của bản thân. Còn mẹ cô chưa từng vui vẻ quá 5 phút, vì dường như bà đang sợ hãi nếu lơ là kiểm soát trong vài khoảnh khắc, mọi thứ xung quanh sẽ đổ sụp bất cứ lúc nào.
Vậy đấy, ai cũng đang phải tự mình giải quyết những vấn đề riêng bắt nguồn từ quan hệ gia đình, bạn bè và xã hội.
Rồi tôi bỗng liên tưởng tới American Beauty (1999) & Ghost World (2001). Chẳng phải kiểu cố so sánh hay tìm điểm tương đồng giữa các bộ phim, mà thực ra tôi thấy chúng đều là những câu chuyện bàn về cuộc sống thường ngày. Lady Bird không chỉ bắt đầu rồi chốt vấn đề ở tuổi 18 – 20 như các bộ phim coming-of-age khác: khi nhân vật chính nhận ra / chấp nhận sự thật rằng bản thân chả phải trung tâm của vũ trụ và mọi thứ xung quanh họ sẽ liên tục thay đổi theo vô vàn khả năng; bộ phim này nhấn mạnh hơn vào quan điểm: tìm kiếm hạnh phúc và một nơi chốn riêng trong đời dường như là hành trình chẳng có điểm kết thúc. Trưởng thành hoặc không trưởng thành, thì bạn cũng chưa chắc có được những thứ mình mong muốn hay cảm thấy thỏa mãn.
Vẫn mô-típ quen thuộc ấy, nhưng Greta Gerwig đã thành công khi đặt nó vào một góc nhìn mới, đa diện và tươi sáng hơn. Tuy nhiên cũng chính vì có quá nhiều câu chuyện nhỏ và nhân vật phụ, tổng thể Lady Bird lại thiếu cân bằng. Vấn đề tình cảm gia đình, giữa mẹ và con gái được giải quyết khá gọn ghẽ, nhưng những thứ còn lại dường như vẫn còn bị bỏ ngỏ. Mặt khác, phần kịch bản nổi bật (thậm chí có phần hơi tham lam trong các trường đoạn cao trào) đã khiến phong cách đạo diễn dù rất chỉnh chu và kỹ lưỡng từng tiểu tiết, cũng trở nên mờ nhạt và không thực sự ấn tượng.
Mà nói gì đi nữa thì tác phẩm điện ảnh này cũng sẽ thu hút người xem từ đầu tới cuối nhờ sự chân thật tuyệt đối, khi chính Greta đã thừa nhận nội dung phim có phần dựa trên những kỷ niệm, ước muốn và cảm xúc thời niên thiếu của chính cô. Cùng Lady Bird, nữ đạo diễn trẻ tuổi mang đến cho khán giả cơ hội dừng lại và ngắm nhìn mọi thứ xung quanh thật kỹ càng.
Vì biết đâu bạn đã bỏ qua thứ gì đó quan trọng bấy lâu nay?
Nguồn: Blacksnow308