IN THE MOOD FOR LOVE – TÂM TRẠNG KHI YÊU (Phần 1)
Tôi chợt nhìn lại gia đình mình, tôi giống như một đứa con lạc loài khi ra ngoài xã hội nhưng khi về nhà luôn luôn phải ở trong một cái khuôn mà từ đó bố mẹ tôi có thể tránh khỏi những điều tiếng của hàng xóm láng giềng, kìm tôi khỏi sự tự do trong cách hiện diện để yên phận trong một cuộc sống cộng đồng.
Nói vậy để thấy tất nhiên họ đã yêu nhau. Và cái “mood” (tâm trạng) của họ khi họ chuyển dần từ bạn tâm giao sang tình yêu thật đẹp và thẫm đấm nỗi buồn, và ngay cả khi họ đã yêu nhau nhưng những ràng buộc cổ hủ lại khiến họ không thể đến bên nhau, họ lén lút như đang làm điều sai trái.
Họ đau khổ vì người chồng (vợ) mình ngoại tình một thì họ đau đớn vì tình cảm phải dồn nén với nhau mười, họ vừa muốn sát lại gần nhau, vừa tìm cách cố tách nhau, Châu là một người đàn ông dù sao khả năng tự chủ vẫn mạnh hơn, anh tự quyết định cho tình cảm của mình, nhưng Trần lại khác, là một người phụ nữ Á Đông thực sự, bị ràng buộc trong cái đạo cổ hủ của Khổng Tử về người phụ nữ, chị không bao giờ dám thoát ra khỏi cái định mệnh của mình.
Cái cảnh quay khi Châu đóng giả là chồng của cô Trần ngồi ăn cùng nhau và Trần hỏi xem chồng mình có ngoại tình không. Đoạn đó thật là thương cảm, thương cho thân phận phụ nữ luôn ở chiếu dưới so với người đàn ông, thương một người phụ nữ yếu đuối không dám vượt ra khỏi cái bóng chiếu mệnh mình. Chị nghe bà Tôn chủ nhà nói về việc cô ra ngoài buổi tối nhiều, cô đã sợ và thôi đến gặp Châu nữa.
Nỗi buồn cứ thẫm đẫm như khói thuốc mịt mù trên bàn làm việc của Châu, trong khi 2 người cùng viết truyện kiếp hiệp dài kì đăng báo, trong mưa, trong hành lang hẹp, trên cầu thang chật, ở đâu cũng đầy rẫy buồn thương và cô độc. Như thể không gian đó được bọc kín và cô lập đến mức dù có hét lên hết sức thì cũng không thể thoát ra được khỏi tiếng cười của chủ nhà, thoát ra khỏi cái cầu thang hẹp, khỏi cái bóng của chính 2 tâm hôn đấy.
Sự cô đơn đặc quánh và bao trùm trong mọi câu nói nó làm cho mọi thứ trở nên mơ hồ và yếu ớt. Và trong một không gian phim như vậy âm nhạc của Nat King Cole cứ vang lên xuyên suốt bộ phim lan tỏa như làn khói, len lỏi vào mọi ngóc ngách, mọi sâu thẳm. Giọng và âm nhạc của Nat King Cole chính là “tâm trạng” của phim, chính là phần hồn của phim.
Cái tâm trạng mà dù rất ít thoại, dù những cảnh quay ngắn và cắt cảnh nhiều nhưng ai đã xem thì đều hiểu, và đều đắng lòng. Cái đắng lòng như nhìn thấy những cái đẹp buồn đến mê đi, buồn đau đớn, buồn như thể đôi khi ta bắt gặp ở ta khi nào đó chính là cái tâm trạng này, cái tâm trọng của phim, của giọng hát của Nat King Cole, giọng kể tối giản của Vương Gia Vệ.
Nỗi buồn mãi mãi là vẻ đẹp vĩnh cửu của cuộc đời, nhưng để mang được cái nỗi buồn mang mang mác trong một tâm trạng nào đó của cảm xúc thì chắc chỉ có họ Vương. Ông đã mang nỗi buồn từ sâu thẳm lên bề mặt và thể hiện nó trong hơn 90 phút từ hai tài tử điện ảnh Hồng Kông Lương Triều Vỹ và Trương Mạn Ngọc. Cái nỗi buồn mà nếu Vương biết thể hiện bằng ngôn ngữ điện ảnh thì Murakami thể hiện bằng ngôn ngữ văn học, cái nỗi buồn mà bất kì ai cũng đều thấy đó là của mình.
Sự dàn cảnh, góc máy, ánh sáng, màu sắc đã được Vương Gia Vệ cùng nhà quay phim Christopher Doyle thể hiện tốt đến mức, mỗi khuôn hình như đang nói thay lời nhân vật, mỗi khung hình là một câu thoại được để ẩn về nỗi buồn và cô đơn. Mỗi khuôn hình khi ta dừng nó lại, ta sẽ có được một bức ảnh đẹp, đầy ám ảnh và rất gợi tình.
Cùng với Happy Together, và Chungking Express, In the mood for Love của họ Vương đã tạo nên một bộ ba phim ấn tượng về tình yêu, một thứ tình cảm mà không ai có thể tránh, thứ tình cảm mà khi nó đến với bất kì trái tim nào, nó cũng mang đến hạnh phúc tột cùng và đau khổ tột cùng. Con người, nếu không có tình yêu, có lẽ thật khó hiểu được hạnh phúc là gì, sẽ khó cảm nhận được cảm giác đau khổ tột cùng, như thể, cuộc đời này chẳng còn bất kì ý nghĩa sống nào nữa.
Nguồn: Mann Up