[ad_1]
Nếu
chỉ xem trailer, người xem có thể nghĩ Homestay
là một bộ phim kinh dị. Tuy
nhiên, 131 phút của phim sẽ cho bạn trải nghiệm nhiều hơn là hồi hộp giật mình.
Nội
dung phim
xoay quanh một
linh hồn bị lấy mất kí ức, được trú ngụ trong thân xác của Min – nam sinh vừa mới tự tử không
lâu. Trong vòng 100 ngày, nếu như linh hồn này tìm được lí do vì sao Min tự sát, sẽ
nhận được phần thưởng là sự tái sinh. Ngược lại, nếu không thể hoàn thành nhiệm
vụ, anh ta sẽ nhận hình phạt vĩnh viễn không siêu thoát. Trong thân xác mượn
này, linh hồn bắt đầu trải nghiệm cuộc sống của Min và tìm cách khám phá những
bí mật diễn ra xung quanh cậu.
Từ cha mẹ, anh trai cho đến cô bạn gái mà anh thầm thương trộm nhớ, tất cả đều
mang bí mật không thể (hay không dám) chia sẻ và đóng góp vào tấn bi kịch mà
Min đã trải qua trước khi qua đời.
Homestay
được sản xuất dựa trên cuốn tiểu thuyết đình đám Colorful của Eto Mori – nữ văn sĩ nổi tiếng của Nhật Bản đương đại.
Về nội dung sách, tôi chưa có dịp xem nên không dám lạm bàn liệu phim có giống truyện
không hay nếu giống thì bao nhiêu phần trăm. Dù không mới mẻ, nhập hồn vẫn là một concept bắt tai và hấp dẫn. Việc
ghi lại cuộc sống và bi kịch hàng ngày của một
người sẽ không thú vị
bằng nhìn ngắm nó
qua lăng kính của một
linh hồn khác. Giống
như bạn ở trên cao và toàn quyền
ngắm nhìn cá bơi trong bể kính vậy.
Điểm
cộng lớn mà ai cũng thấy được của phim là
phần kĩ xảo. Ngay từ 15 phút đầu, phim đã cho thấy
những màn kĩ
xảo đỉnh cao và bắt mắt, mang đến cảm giác
rất thật, không thua gì phim Hollywood. Vì thế mà sự
xuất hiện của Người Giám Hộ (người có sức mạnh siêu nhiên có nhiệm vụ giải
thích, hướng dẫn và theo sát Min) không cần quá nhiều lần hay quá nhiều thoại
nhưng vẫn đem đến cảm giác tin tưởng cho khán giả. Màn thay đổi trọng lực 90 độ
ở đầu phim đậm chất
điện ảnh, khiến chúng ta tin ngay
đây thật sự là câu chuyện của một
linh hồn và gợi ra nhiều hứa hẹn cho những cảnh ở sau.
Thế
nhưng, nếu trailer đem cho chúng ta cảm giác về một bộ phim kinh dị, 30 phút đầu khiến ta mong
chờ một bộ phim giật gân, thì những
phút tiếp theo lại là hỗn hợp của nhiều
thế loại khác. Bạn sẽ thấy khoảng thời gian kế tiếp y như nhũng bộ phim thanh
xuân học đường với cô bạn gái mắt to tròn long lanh P khiến Min tim đập chân
run. Tiếp đó là mood phim gia đình với chân dung của tất cả thành viên: Người
mẹ tảo tần, người cha chuyên tâm vào công việc kinh doanh đa cấp, người anh
trai lạnh lùng xa cách… Điều bộ phim muốn làm đó là khắc họa nên toàn cảnh cuộc
sống xung quanh nhân vật Min. Nhưng liệu việc thay đổi thể loại xoành xoạch như vậy
có đem lại cảm giác khó chịu?
Câu
trả lời là có.
Ngay
từ ban đầu, phim đưa ra hạn định cho nhân vật là 100 ngày. Người ta đặt ra thời
gian biểu nhằm tạo
thêm áp lực cho nhân vật phải chạy đua trong hạn mức đó. Nhưng điều chúng ta thấy
lại là nhân vật quá nhẩn nhơ. Liệu Min cho rằng 100 ngày là quá dài hay tự tin
sẽ khám phá ra sự thật nhanh chóng? Chúng ta không biết được điều đó, chỉ thấy
là phim nhắc đi nhắc lại về việc nhiều ngày đã trôi qua mà Min thì vẫn mải mê đắm
chìm trong tình yêu gia đình và bạn bè. Thậm chí nhiều ngày qua mất mà chẳng biết
Min đã dùng làm gì. Như thế thì sự nhắc nhở đó có ích gì? Hay mục đích là khiến
khán giả khó chịu và sốt ruột thay cho nhân vật Min?
Ôm
đồm quá nhiều thể loại cũng khiến cho phim mắc nhiều lỗi,
chưa
thể đem đến bức tranh toàn cảnh
và sâu sắc về vấn đề xã hội nói
đến. Ví dụ như phim Bad Genius (cùng nhà sản xuất GDH
559) tập trung khai thác vấn nạn gian lận trong học đường, từ đó vẽ nên bức tranh từ toàn
cảnh về nền giáo dục. Homestay thì
không làm được điều đó. Đa phần nhân vật trong phim đều vướng vào bi kịch, thế nhưng không có
gì lên tiếng giúp họ vì sao họ lại lựa chọn con đường đó. Là áp lực từ xã hội,
sự thiếu chia sẻ từ gia đình hay vì bản chất tham vọng của chính nhân vật? Tôi
không biết. Giống như linh hồn nhập xác Min, tôi đang trải nghiệm lại cuộc sống
của Min với cái nhìn chỉ đến mức độ như linh hồn đó thôi. Tôi không thể nhìn ra
ngoài những gì mà nhân vật đã thấy. Và điều đó thật sự giới hạn cho nhận thức
và sự chiêm nghiệm của khán giả.
Ngoài
ra, tâm lí
nhân vật cũng là điểm
không ổn. Dụng công xây dựng một
linh hồn nhập xác hoàn toàn mất sạch ký ức, ý đồ của phim là muốn đem lại cái
nhìn hoàn toàn mới mẻ cho cuộc sống của Min trước đó. Nhưng Min “mới” lại thực
sự hòa nhập vào cuộc sống đó quá dễ dàng và không gặp bất cứ khó khăn nào trong
việc che dấu danh tính. Một phần nguyên nhân có thể hiểu được là do Min “cũ” là
1 người khá trầm lặng và ít được người xung quanh để ý đến. Nhưng ngay cả mẹ, bố,
anh trai, cô bạn thân, cô người thương, cô giáo (với bài kiểm tra)… vẫn không ai nhận ra đây
là một kẻ mất trí nhớ thì cũng
thật là lạ. Bên
cạnh đó, nhiều khoảnh khắc tạo cảm
giác linh hồn này thiếu đi tâm lí
riêng, mà lại đang “nhập” vào tâm lí của Min. Ví dụ như khi ở
bên người mẹ hay học thêm cùng với Pi.
Điều
thiếu thốn nhất trong phim chính là sự gắn kết của các thành viên khác, ngoài
nhân vật chính. Có vẻ như tác giả đã bỏ qua rất nhiều mối liên hệ xảy ra xung
quanh Min (như giữa người cha và người mẹ, gia đình và thầy cô, bạn gái và bạn
thân…) càng làm cho bức tranh toàn cảnh xung quanh nhân vật mất màu và thiếu vắng
tình cảm. Chất
Nhật Bản từ kịch bản gốc chưa được Thái “hóa” hoàn toàn và thật sự không phù hợp
với bối cảnh xã hội Thái Lan.
Về
diễn xuất, các diễn viên trong phim đều khá ổn định, ấn tượng nhất là nhân vật siêu phụ – người thợ lau kính bị Người
Giám Hộ nhập hồn. Nhân vật chính Min,
do
diễn viên Teeradon Supapunpinyo thủ vai,
không
quá xuất sắc nhưng tròn trịa. Sau
vai diễn thanh niên láu cá Pat trong Bad
Genius thì với Min,
anh đã lột xác hoàn toàn. Tuy vậy, màn
makeover trong phim thì thực
sự thất bại, Teeradon trông đẹp trai và hợp vai hơn trước khi cắt tóc với tóc
mái dài phủ kín trán. Cherprang Areekul – cô bạn thủ vai Pi không quá xinh đẹp
xuất sắc nhưng gây ấn tượng với đôi mắt tròn như có thể nhét cả giếng khơi vào
đó. Ngoài đời, cô là thành viên của một
nhóm nhạc,
nhưng rõ ràng cô còn có thể tiến xa trong lĩnh vực diễn
xuất.
Homestay có concept khá hấp dẫn, tiếc rằng chưa đạt đến mức đủ khiến tôi hài lòng. Điều này chứng minh rằng dù có được các tác phẩm xuất sắc, điện ảnh Thái vẫn khá thiếu ổn định và trồi sụt. Có những Bad Genius thì cũng những Homestay,chưa thể khiến chúng ta hoàn toàn yên tâm mỗi khi lựa chọn các tác phẩm của đất nước láng giềng này.
[ad_2]
35mm.vn