Anh van xin cô hãy ở lại, 8 ngày, 3 ngày, thậm chí bao lâu cũng được, chỉ cần cô ở lại.
“Từng đó thời gian đủ để làm gì?” cô cười nhẹ. “Để sống vì nó? Để chết vì nó?”
“Thời gian để biết.”
Quay mặt đi hướng khác, cô tỏ vẻ bất cần: “Chẳng có thời gian như thế. Không có thời gian nào đủ cho ta sống vì nó, cũng như không có thời gian nào đủ cho ta chết vì nó. Nên em chẳng quan tâm.”
“Anh ước gì em đã chết ở Nevers còn hơn.”
“Em cũng vậy, nhưng em đã không chết ở Nevers…”
…….
Những dòng sông trong Hiroshima Mon Amour (1959) cứ thoắt ẳn thoắt hiện, chúng chẳng có vẻ gì là đóng một vai trò quan trọng ở bộ phim này. Nhưng chúng chứng kiến tất cả, tình yêu, chiến tranh, đau thương và mất mát. Những dòng sông ở Nevers và Hiroshima, những số phận ở Nevers và Hiroshima, chúng có liên kết gì với nhau sau cái ngày định mệnh tháng 8 năm 1945 ấy?
Kịch bản phim được viết bởi Marguerite Duras, tác giả của cuốn tiểu thuyết khá nổi tiếng The Lover (1984). Chà, thú vị làm sao khi cả hai tác phẩm kể trên đều xoay quay mối quan hệ giữa một phụ nữ Pháp và người tình phương Đông của cô.
Thực ra, tôi tìm đọc The Lover phần nhiều vì đã trót quá yêu nhân vật Elle (do Emmanuelle Riva thủ vai) trong Hiroshima Mon Amour. Và tuy hơi thất vọng một chút vì cuốn sách đó không khiến tôi choáng ngợp như cách Marguerite từng làm tôi sửng sốt trước phần kịch bản tuyệt vời trong bộ phim này, nhưng quả thật, bà đã khắc họa các mối tình giữa những con người khác biệt hoàn toàn về tư tưởng, văn hóa, sắc tộc giữa thời gian lịch sử nhạy cảm nhất bằng một cái nhìn hoàn toàn mới mẻ, đầy đam mê và khiến bao thế hệ độc giả, khán giả phải say sưa chìm đắm.
Chà, tình yêu, nó là thứ đẹp nhất, bí ẩn nhất và là thứ khiến người ta nuôi hy vọng giữa những giây phút vô vọng nhất. Với Hiroshima Tình Yêu Của Tôi, Marguerite Duras đã viết về hai mối tình, mối tình ở Nerves – thành phố nhỏ bé nước Pháp vẫn luôn yên bình dù trong những năm tháng bị quân Đức chiếm đóng và mối tình ở Hiroshima – thành phố vươn lên từ trò tàn chết chóc.
…….
Câu chuyện phim Hiroshima Mon Amour được đạo diễn Alain Resnais kể bằng một thứ ngôn ngữ điện ảnh kỳ lạ chậm rãi, nửa dễ hiểu gần gũi, nửa thờ ơ xa cách. Ở đầu phim, xen giữa quá khứ và hiện tại, những thước phim tư liệu – dựng lại về các nạn nhân của cuộc ném bom nguyên tử Hiroshima khiến hàng trăm nghìn người chết cũng như phải chịu di chứng nặng nề vĩnh viễn, được lồng ghép trên nền cuộc hội thoại không đầu không cuối của hai kẻ tình nhân đang ân ái bên nhau. Không, ông chẳng có ý đem chúng ra làm trò đùa, để làm nỗi đau chiến tranh thêm day dứt, Alain chỉ đơn giản đã tạo nên một cái không khí huyền hoặc và hư ảo, nơi mọi thứ kể cả những gì đớn đau nhất, khủng khiếp nhất dường như cũng có thể dần mục rữa, thấm vào đất, lan xuống mạch nước ngầm, chảy ra sông rồi hòa vào đại dương – tan biến.
Qua diễn xuất của nam diễn viên Eiji Okada, nhân vật Lui – người đàn ông “may mắn” – có vẻ thật si tình. Liu âu yếm Elle với thứ tiếng Pháp nặng nề nhưng chân thành, với nhũng cái ôm, cái hôn, cái nhìn cháy bỏng không thể giấu giếm nỗi khát khao trong anh. Anh đi phía sau cô, dõi theo cô. Anh yêu cô.
Còn Elle thì sao?
Please. Take me. Deform me, make me ugly. Why not you?
…….
Tự nhiên cũng như không hề gượng ép, Emmanuelle Riva truyền tải đến khán giả tâm trạng rối bời của người phụ nữ một lần nữa đối diện với nỗi đau giữa tình yêu trong quá khứ và hiện tại. Đó là những khoảnh khắc giật mình hoảng sợ không rõ lý do, cảm giác đồng cảm của cô với Hiroshima và biết bao bí mật được vùi sâu trong hầm tối qua gần 15 năm.
Elle nhận ra thời gian khắc nghiệt đến mức nào chỉ qua vài tiếng đồng hồ cuối cùng lang thang ở một thành phố xa lạ. Cô nhận ra, mình đang bắt đầu quên, quên đi mối tình đầu, quên đi nỗi đau tưởng chừng không bao giờ nguôi ngoai nổi.
Thế đấy, trên đời này, thời gian vẫn là thứ đáng sợ nhất với tất cả mọi người.
Và kì khôi làm sao, ngay trước giây phút ấn định khoảnh khắc chia tay, Lui cùng Elle lại ghé vào một quán Bar mang tên Casablanca. Vâng, còn nơi đâu phù hợp để kết thúc cuộc tình đầy giằng xé và những đớn đau hơn là một quán Bar tên Casablanca?
…….
Được sản xuất nhờ sự góp sức của 2 ê kíp Nhật Bản và Pháp, Hiroshima Mon Amour quả thực giống như một biểu tượng trong làng nghệ thuật lẫn điện ảnh, nơi người ta có thể dẹp bỏ quá khứ, mâu thuẫn chính trị, cùng chung tay đưa những nét đẹp riêng của cá nhân vào một công trình chung – nơi tình yêu, sự tái sinh và cả hòa bình được ngợi ca bằng các thước phim tuyệt đẹp.
They make advertisements for soap. Why not for peace?
Nguồn: Blacksnow308