[ad_1]
Dai dẳng, dù hai tiếng chín phút chẳng quá dài với thời lượng phim điện ảnh hiện nay.
Khó hiểu, dù bạn không bỏ bất cứ dòng thoại nào hiện lên màn hình và xem đủ hai phần trước.
Dở tệ, dù đạo diễn và diễn viên đều nổi đình đám tại Hollywood.
Đó là những gì Glass mang lại.
Công bằng mà nói, dẫu cái tên M. Night Shyamalan có sức thu hút các fan điện ảnh khủng khiếp, đặc biệt là ai ghiền thể loại siêu nhiên nhờ cú twist kinh điển “I see dead people” trong The Sixth Senses (1999) thì người nào xem vài tác phẩm của vị đạo diễn người Ấn sẽ nhận thấy ông làm phim với phong độ thất thường y chang thời tiết. Buồn thay, Glass lại đến sau Split quá thành công và là cú chốt cho “vũ trụ điện ảnh” thai nghén từ mười chín năm trước. Tất cả chúng ta chờ mất hai năm ròng và kết quả nhận được lại là mớ nội dung lỗi thời cũ rích.
Liên kết Unbreakable và Split, Glass kéo gã đàn ông có sức mạnh phi thường David Dunn (Bruce Willis), kẻ phản diện siêu thông minh Elijah Price (Samuel L. Jackson) và tên quái dị sở hữu nhân cách Kevin Wendell Crumb (James McAvoy) vào một phim, xây dựng nên mối liên kết của họ nhờ vào việc bị nhốt chung trại tâm thần. Trước đó, Dunn đã đụng độ với tên quái vật Beast trong thân xác Crumb khi giải cứu những cô gái bị hắn bắt cóc nên Price chỉ cần châm ngòi chút ít thì hai kẻ siêu nhiên kia nhanh chóng lao vào đánh nhau tới mức kẻ mất người còn.
Những tình tiết này đều phô bày ở trailer. Giá như tất cả đơn giản là thế thì có lẽ khán giả đã không phải vừa xem phim vừa nốc nước ngọt và ăn bắp rang cho tỉnh ngủ. Cốt truyện chính giản đơn được M. Night Shyamalan kéo dài ra bằng hàng loạt tình huống vô thưởng vô phạt cùng các câu thoại chúng ta quá quen thuộc khi một năm Hollywood ra mắt cả chục phim siêu anh hùng hoặc siêu năng lực.
Người xem bị tra tấn bởi cơn buồn ngủ mỗi khi thấy ông già Dunn lầm lì qua diễn xuất chán phèo của Bruce Willis và hai mươi bốn nhân cách Crumb giết thời gian bằng những câu thoại vô nghĩa. Càng thất vọng hơn khi kẻ đáng ra nên là vai chính, người có mật danh đặt làm tựa phim thì ngủ hết phân nửa thời lượng xuất hiện trên màn ảnh. Nhân tố mới – nữ bác sĩ tâm lý Ellie Staple (Sarah Paulson) là nhân vật hay và đảm nhiệm bởi diễn viên giỏi nhưng sự xuất hiện đó chẳng giúp bộ phim khá khẩm bao nhiêu.
Những năm gần đây, Bruce Willis chủ yếu đóng phim hành động. Dù sở hữu không ít vai diễn nội tâm rất thành công như Malcolm Crowe (Giác Quan Thứ Sáu) nhưng hình tượng người hùng “đầu đội trời chân đạp mảnh kính vỡ” thời Die Hard (1988) vẫn in sâu trong lòng khán giả. Tuy nhiên, lần trở lại với vai diễn ấn tượng gần hai mươi năm về trước này thật đáng buồn, khi người hùng năm xưa chẳng mấy đất diễn để thể hiện.
Có lẽ các fan chỉ ước gì James McAvoy quay lại thời kỳ “chàng thơ” Pride & Prejudice (2005), Atonement (2007)… Ở Split, nội dung kịch tính cùng thành công phòng vé đã khiến James át những lời chê bai về việc anh gồng mình đến lố bịch để thể hiện hơn hai chục nhân vật. Thế nhưng, khi kịch bản thiếu gay cấn, lỗi diễn xuất kém cỏi này nhanh chóng lộ ra. Khán giả không được xem Kevin Wendell Crumb hai mươi bốn nhân cách mà là nhìn James McAvoy diễn hai mươi bốn người. Chưa kể, thủ pháp quay dựng kỳ quái với sở thích cận cảnh diễn viên bất kể tình tiết càng khiến khuyết điểm của James rõ rành rành trên màn ảnh rộng.
Nếu M. Night Shyamalan trao Samuel L. Jackson nhiều đất diễn hơn, ông đã cứu rỗi cả bộ phim như cách từng làm với Kong: Skull Island (2017). Mr. Glass – quý ngài siêu thông minh và mắc bệnh xương thủy tinh này sở hữu tính cách đặc biệt rất dễ gây chú ý trên màn ảnh rộng. Thế nhưng, ông già áo tím đành phải nằm nhắm mắt để nhường đất diễn lại cho mớ nhân cách lộn xộn của Crumb thể hiện.
Sarah Paulson, nữ ngôi sao American Horror Story nhận một vai có tiếng mà chẳng có miếng. Xuất hiện không ít, bác sĩ Staple nào làm được gì ngoài việc mang bộ mặt hoang mang suốt phim.
Điểm sáng là vị đạo diễn người Ấn thành công mời lại những gương mặt cũ từng tham gia Unbreakable (2000) xuất hiện trong phim. Charlayne Woodard và Spencer Treat Clark trở lại cũng như tái hiện lại khung cảnh chuyến tàu định mệnh mà David Dunn bước lên mười chín năm trước.
Điểm cộng hiếm hoi thứ hai là dù ý tưởng nay trở nên lỗi thời giữa thời đại siêu anh hùng Marvel và DC kiếm từ vài trăm triệu đô trở lên nhưng lối diễn đạt thú vị và cú twist gây shock của M. Night Shyamalan vẫn gây ấn tượng và bất ngờ.
Ngoài ra, nhạc phim và âm thanh cũng được chăm chút kỹ lưỡng cho phù hợp với từng phân đoạn, phần nào giúp người xem thoát cảnh gà gật liên tục giữa rạp chiếu phim.
Kinh phí 20 triệu đô, hiện nay thu về gần 250 triệu đô, chẳng ai phủ nhận Glass đạt thành công về mặt thương mại. Thế nhưng, cũng không có fan M. Night Shyamalan nào dám mạnh miệng rằng Glass là bộ phim xuất sắc. Từ Split đến Glass, đây chắc chắn là cú trượt đáng xấu hổ của nhà làm phim gốc Ấn.
[ad_2]
35mm.vn