Lưu ý: bài viết có tiết lộ trước một số nội dung quan trọng.
Phim này nếu làm hỏng là người ta không cho tôi tiền làm phim nữa đâu, anh Lộc ạ!
Đạo diễn Trần Anh Hùng đã chia sẻ thật lòng với Lê Văn Lộc – nam diễn viên chính của Xích Lô như thế trước khi bấm máy. Và xui rủi làm sao, Xích Lô “hỏng” thật, “hỏng” đến mức cái lệnh cấm trình chiếu rộng rãi tại Việt Nam qua 2 thập kỷ rồi vẫn nằm nguyên đấy, chưa được gỡ bỏ. “Hỏng” đến mức sau này, khi Hùng “chuộc tội” bằng Mùa Hè Chiều Thẳng Đứng, vẫn chỉ như muối bỏ biển, chẳng được mấy ai quan tâm.
…….
Cái câu chuyện ầm ĩ, đấu đá nội bộ ngành điện ảnh Việt Nam (lấn sang cả vấn đề chính trị) vì phim Xích Lô, vẫn còn sót lại đâu đó trong tâm trí những người liên can, đâu đó trong những bài viết trên internet.
Ngày ấy, Xích Lô đạt danh hiệu Phim Hay Nhất LHP Venice 1995 và đem lại cho Trần Anh Hùng giải Grand Prix tại Ghent International Film Festival. Với cái nền tảng như thế, nó dư khả năng để trở thành một tác phẩm gây chấn động mạnh mẽ toàn cầu trong thập niên 90s của thế kỷ trước, và quan trọng hơn: thay đổi cả bộ mặt của điện ảnh Việt Nam. Nhưng rốt cuộc, Xích Lô lại bị chôn vùi bởi những thế lực, những suy nghĩ của những cá nhân không tiện nêu tên.
Thôi bỏ qua yếu tố cấm đoán đi. Giả như ngày ấy Xích Lô vượt qua vòng kiểm duyệt, tôi cũng chẳng tin được rằng khán giả sẽ đón nhận nó. Thập niên 90s, phim “mì ăn liền” thống trị phòng vé Việt Nam (đến tận bây giờ).
Khi tôi làm phim Cyclo tôi không hề nghĩ đến chuyện bôi nhọ đất nước của tôi. Tôi là một nghệ sĩ Việt Nam định cư ở nước ngoài. Và tổ quốc Việt Nam rất thiêng liêng đối với tôi. Nếu ai không hiểu về tôi mà kết luận vội vàng về tôi thì đó là một ác cảm ghê tởm tôi không thể tưởng tượng nổi … Cái mục đích của tôi khi làm phim này là để đưa vào nền điện ảnh thế giới một tác phẩm nghệ thuật do một người Việt Nam làm.
…….
Những bản phim Xích Lô kém chất lượng bắt đầu rò rỉ trên mạng từ độ vài năm trước, và tôi may mắn (cộng thêm chút kiên trì) cuối cùng cũng được thưởng thức nó một cách trọn vẹn, không cắt xén nhập nhòe, ở mức độ hình ảnh – âm thanh khá tốt.
Vẫn nhớ đó là dịp nghỉ lễ đầu năm, tôi chỉ có một mình (như đa số thời gian khác). Xem xong, tôi mệt đến mức chỉ muốn ngủ vùi, nhưng không tài nào nhắm mắt được. Lần đầu tiên, một bộ phim Việt Nam làm tôi sốc đến thế.
Xích Lô vẽ nên bức tranh hiện thực, tàn khốc về những con người ở dưới đáy xã hội nơi Sài Gòn phồn hoa. Và tất cả các nhân vật, chẳng một ai có nổi cái tên riêng.
vô danh người
vô danh sông
hoa thì vô sắc
hương không thành lời
Nguyễn Trung Bình
Đó là cậu trai đạp xích lô mưu sinh qua ngày. Đó là cô gái trẻ ngây thơ bị biến thành thứ đồ mua vui cho những kẻ bệnh hoạn. Đó là gã đại ca giang hồ thích làm thơ. Đó là bà trùm xã hội đen mưu mô xảo quyệt, nhưng đồng thời cũng vô cùng mềm yếu.
Không chỉ có 4 diễn viên chính gồm: Trần Nữ Yên Khê – Lương Triều Vỹ – Như Quỳnh – Lê Văn Lộc đã làm tròn vai; ta dễ dàng nhận ra những gương mặt quen thuộc khi kể đến tuyến nhân vật phụ: Trịnh Thịnh, Mạc Can, Lê Công Tuấn Anh, Thanh Lam, Quang Hải … và còn rất, rất nhiều cái tên khác. Khán giả bị bất ngờ đến sửng sốt. Tại sao từ trước đến nay, chúng ta lướt qua họ không ít lần trên màn ảnh, nhưng chỉ đến Xích Lô thì những con người ấy mới trở nên ấn tượng như vậy?
…….
Để nói rõ sự thật về tôi, trước hết tôi xin nói đến vấn đề bạo lực trong phim Cyclo. Người ta thấy bạo lực trong phim này rất ghê tởm. Tôi cho đó là điều tốt. Bạo lực phải đưa ra một cảm giác ghê tởm.
Thứ bạo lực mà Xích Lô mang tới không đơn giản là những màn đấu đá, thanh toán giữa băng đảng giang hồ. Mục đích của nó là khiến người xem rùng mình bởi vì sự chân thật quá quắt: vụ tai nạn giao thông bất ngờ, giết heo trong lò mổ, cú đánh lén trả thù, màn “âu yếm” mèo vờn chuột của kẻ sát nhân trước khi xuống tay, người cha quật roi túi bụi vào con trai mình … tất cả những phân đoạn ấy đều bắt đầu và kết thúc chẳng báo trước. Chúng được đặt trong những khung cảnh đời thường và tầm thường. Nói cách khác, bạo lực trong Xích Lô được miêu tả như một yếu tố gắn liền với cuộc sống của các nhân vật. Họ dửng dưng trước nó. Thậm chí, bạo lực qua miêu tả của Trần Anh Hùng còn toát lên nét nghệ thuật kỳ quái.
(còn tiếp)
ĐÃ HƠN 20 NĂM VÀ XÍCH LÔ (1995) VẪN LÀ BỘ PHIM VIỆT NAM “KỲ LẠ” NHẤT (Phần 2)
Nguồn: Blacksnow308