“Cách đây hàng trăm năm người ta đã tìm thấy bức tranh này và nghĩ rằng đó là bản gốc, họ xem đây tác phẩm hội họa duy nhất của người họa sĩ đó. Nhưng sau đó, người ta phát hiện ra đó lại là một bản sao chép. Họ vẫn tiếp tục trưng bày, gìn giữ và bảo vệ tác phẩm sao chép đó như ban đầu.”
Certified Copy mời gọi người xem bước vào một buổi giới thiệu cuốn sách mới tại Ý của nhà văn người Anh, James Miller. Cuốn sách có tên là “Certified Copy”. Dưới hàng ghế khán giả có một người phụ nữ trung niên tìm đến hàng đầu để chăm chú nghe James chia sẻ, có thể gọi cô ấy là độc giả trung thành của anh. James đã nói về ý tưởng của cuốn sách, về sự khác biệt giữa nghệ thuật gốc và các bản sao. Cái gốc luôn hiện ra với ý nghĩa tích cực, nó là ban đầu, là khởi thủy, là sự trong suốt, là bên sâu trong tâm hồn. Vậy có sự khác biệt nào cho cái đầu tiên và những cái về sau không? James đang mải mê với bài nói của mình thì người phụ nữ kia phải đứng dậy vì đứa con trai đói bụng, cô ta để lại tờ giấy địa chỉ cửa hàng đồ cổ của mình cho một người bạn của James và nhờ chuyển cho anh ấy. Sau đó, James xuất hiện tại cửa hiệu, người phụ nữ ấy lái xe dẫn anh ta đi khám phá một vài góc phố không cụ thể, James không cần cụ thể. Họ nói chuyện vui vẻ về cuốn sách, cả về cuộc sống và triết học, và đồng thời cũng như thể đang tán tỉnh nhau. Tiếp theo cô đưa anh ta đến một ngôi làng gần đó ở Tuscany, nơi mà các cặp đôi trẻ tìm đến để làm lễ cưới hoặc chụp ảnh cưới. Tại đây, khán giả bắt đầu bị Kiarostami đánh lạc hướng, tại viện bảo tàng, trong nhà thờ, quán rượu, khi hai người họ nói chuyện và bắt đầu tranh cãi như một cặp vợ chồng. Họ đã kết hôn 15 năm, có một đứa con trai và ngày hôm qua vừa kỷ niệm ngày cưới. Câu hỏi đặt ra, mối quan hệ thực sự của họ là gì? Tại sao họ lại có những câu chuyện chung và cả sự trùng lắp kỷ niệm trước đó? Họ có phải là cặp vợ chồng đang giả vờ gặp nhau lần đầu tiên? Hay là một cặp mới quen nhau nhưng muốn trải nghiệm cảm giác đi sóng đôi như vợ chồng?
Có lẽ ý định của Kiarostami là để chứng minh làm thế nào mà thực tế chính là bất cứ điều gì mà họ lựa chọn, và rằng ông có thể chuyển từ ý niệm ban đầu thành một bản sao trong đời thực đối với họ ra sao?
Kiarostami là khá xuất sắc trong cách anh tạo ra không gian tắt, mở màn hình và cả sự biến mất của âm thanh. Xuyên suốt bộ phim không có bản nhạc nền nào. Trong cảnh mở đầu, người xem thấy người phụ nữ kia có một chỗ ngồi ở hàng ghế phía trước. Sau đó máy quay thay đổi xung quanh để tập trung vào cô ấy, nhưng giọng nói vẫn đang là James đang ở trên kia. Cậu con trai thì đang đói bụng và đứng một bên, liên tục gây sự chú ý từ mẹ vì cậu muốn rời khỏi đây. Người bạn của James ngồi kế cô thấy điều đó. Nhưng chúng ta lại không thấy James phản ứng khi ngay hàng đầu lại có sự xáo động nhỏ này, đó là những gì mà Kiarostami tạo ra sự ngụ ý ngay từ ban đầu những gì liên quan đến James, nhưng anh ta đã từ chối quan sát. Hoặc như, khi hai người vẫn đang trên xe, câu chuyện của họ xoay quanh về sự tồn tại của bản sao, James luôn quả quyết về những lý thuyết và định nghĩa mà anh ấy theo đuổi, trong khi người phụ nữ kia thì kể chuyện về gia đình của mình. Hình ảnh của họ được thu gọn trong tấm kính chắn gió, xuyên suốt đường đi chẳng có hình ảnh của hai bên đường. Máy quay quan sát họ trong từng chuyển động nhỏ nhất trên khuôn miệng, ánh mắt, cử chỉ khi trò chuyện với nhau. Không giản của họ đóng khung chỉ trong hai hàng ghế trước vô lăng. Và câu chuyện bắt đầu.
Phần lớn thời lượng phim của Certified Copy chỉ tập trung tại ngôi làng Tuscan và chỉ xảy ra trong một buổi sáng, với những đoạn hội thoại trừu tượng, và đặc biệt là sự “phân thân” trong mối quan hệ giữa hai nhân vật chính, chứ không lãng mạn và bình thản như Before Sunrise (1995) của Richard Linklater. Đây là một bộ phim khác lạ, đi sâu vào ý tưởng hơn là cách thể hiện. Thỉnh thoảng, khi xem phim, tôi có cảm giác là James hay người phụ nữ kia, dù họ đang đối diện với nhau nhưng kỳ thực là họ chỉ nói với chính mình. Khi họ ở trong bàn ăn, rất hiếm, hoặc không có góc máy nào bao quát cả hai người khi đang nói chuyện. Người phụ nữ nhìn vào trong gương để trang điểm, đeo khuyên tai và trở lại bàn ăn, cô ta muốn đẹp trước mắt chồng. Nhưng những gì sau đó là sự căng thẳng giữa James và cô ta. Anh ấy đã ngủ trong đêm kỷ niệm ngày cưới, không phải là chỉ chợp mắt, vì anh ấy mệt, vì anh ấy có nhiều việc phải làm… Anh ta cũng lâu lắm rồi chưa nói chuyện với con. Tại sao vợ anh là người Ý nhưng anh lại không học tiếng Ý?… Bà chủ quản rượu nơi họ đã ngồi trước thì nói rằng: “Tôi thấy anh ấy là một người chồng tốt.”. Nhưng sau đó, khi ngồi ở quán ăn, người phụ nữ đó đã giận giữ và suýt nữa thì bật khóc vì cô không quen với bản sao của chồng. Buổi tham quan này là một ngày khám phá một ngôi làng cổ kính, yên bình của nhà văn mới đến Ý, hoặc là một buổi trở về kỷ niệm, khi cách đây 15 năm họ đã đến đây để hưởng tuần trăng mật, ở trong căn phòng số 9 tầng ba của khách sạn nhỏ tại đây. Đâu là không gian hiện thực và đâu là không gian giả định? Điều đó liệu có quan trọng không? Bởi James nói đúng: Hạnh phúc của họ mới là điều quan trọng, nhưng chúng ta phải chấp nhận rằng ai cũng sẽ thay đổi. Rồi mọi thứ sẽ không còn như xưa. Sự khác biệt chính là họ có chấp nhận sự thay đổi đó hay không?
Cá nhân tôi nghĩ rằng, có thể Certified Copy tồn tại trong hai ý tưởng: khủng hoảng hôn nhân, và việc tồn tại của các bản sao chép, hoặc là nhưng điều khác xưa. Ở đây, việc có hay không của sự khác biệt giữa bản gốc và bản sao chép không quan trọng bằng việc, chúng ta nhận thức như thế nào trước các bản sao của con người và cuộc sống? Đôi khi, điều đơn giản mới là bản gốc đầu tiên, “đơn giản của sự đơn giản” – như James đã nói. Với một nhận định rất hiển nhiên, nếu phát ra từ miệng của một đứa trẻ thì bị người lớn phớt lờ, nhưng nếu từ một triết gia hay giáo sư nào đó thì người ta lại tán thành và áp dụng? Hoặc vì sao viện bảo tàng kia khi biết bức tranh mà họ giữ gìn bấy lâu nay là bản sao chép, nhưng họ vẫn quyết định tiếp tục đối xử với nó như một bản gốc? Con người khi sống lâu trong những điều giả tạo, những bản sao chép, thì rất có thể họ sẽ chấp nhận ảo ảnh về cái bản gốc đầu tiên, rằng đó mới là sự thật. Vậy thì cái người nghĩ rằng đó là bản gốc có phải đang sống trong bản gốc của chính anh/ cô ta? Vậy bản gốc của vấn đề nằm ở đâu? Câu trả lời chắc hẳn sẽ thật thú vị. Xen kẽ trong các cuộc hội thoại, Certified Copy cũng đồng thời nhấn mạnh đến tầm quan trọng của góc nhìn của mỗi con người và cách mà họ đặt mình vào vị trí của người khác trong những khía cạnh khác nhau của cuộc sống, đặc biệt là hôn nhân.
Certified Copy là một minh chứng đặc sắc để khẳng định lần nữa: với tác phẩm điện ảnh nghiêng về thoại, thì diễn viên không thể là một tên tuổi tầm thường được. Nữ diễn viên Juliette Binoche trong Three Colors: Blue đã khéo léo xâm nhập vào suy nghĩ của người xem, để có lúc tôi nghĩ rằng cô là một người phụ nữ bình thường, yêu thích văn chương và am hiểu các bức tượng cổ, nhưng sau đó tôi lập tức đoán rằng cô là một cô vợ mất trí của James. Khi cô nằm nghiêng trong căn phòng số 9 tầng thứ ba của khách sạn mà 15 năm trước đây họ đã đến, ánh sáng chiếu thẳng vào gương mặt cô, để lộ một nỗi cô đơn không cách nào lắp đầy, đó là cô của 15 năm trước, một “bản gốc” của chính mình. Còn vai diễn James Miller được thể hiện qua nam ca sĩ opera William Shimell, với giọng nói trầm ấm và ánh mắt cương quyết của giáo sư văn chương, đã mang đến cái hồn cần thiết cho bộ phim, bao quát lên không khí trầm mặc, buồn bã của Certified Copy.
Nguồn: 35mm