[ad_1]
Riêng trong năm qua, có rất nhiều phim hoạt hình đã thách thức định nghĩa thế nào là một “người tốt” so với “người xấu”, và đôi khi chỉ trích anh hùng của chính họ.
Nhìn lại vai trò nhân vật chính anh hùng trong phim hoạt hình hiện đại
Bạn biết mô-típ các bộ phim này: Người anh hùng mâu thuẫn bị ăn mòn bởi cơn thịnh nộ, và anh liên tục chiến đấu với sự cám dỗ không bị cuốn theo bản năng đen tối nhất của mình; một cộng đồng xã hội hy vọng anh tuân theo các tiêu chuẩn của mình, điều mà anh thấy không công bằng và không cần thiết. Để ngăn chặn những áp lực này, anh cố gắng kiểm soát mọi thứ và mọi người trong cuộc sống, để rồi trở thành kẻ thù tồi tệ nhất của chính mình. Ngoài ra, toàn bộ cuộc đời anh bắt đầu như một hình minh họa vẽ tay của ai đó.
Nếu tuyến truyện theo chủ đề vừa mô tả nghe có vẻ quen thuộc, thì đó là bởi vì một số các phim hoạt hình dành cho trẻ em trong năm ngoái và hơn thế – từ bộ ba phim ‘How to Train Your Dragon’ cho đến phim chiến thắng giải Oscar mới ‘Spider-Man: Into the Spider-Verse’ – đều tập trung vào việc học hỏi của các nhân vật nam năng động, thông qua các thử thách khó khăn, để hiểu được sức mạnh mà họ nắm giữ. Và tất nhiên tầm quan trọng của việc sử dụng sức mạnh của mình với sự khôn ngoan và rõ ràng. Tất nhiên, đây là một trong những câu chuyện cũ kĩ nhất trong các mạch truyện về anh hùng.
Nhưng gần đây, từng phim hoạt hình nối tiếp nhau đã bắt đầu sử dụng hành trình đơn điệu này để phê phán công khai và có chủ đích đến các chuẩn mực giới tính. Khi làm như vậy, chúng tấn công trực diện vào trái tim của quan điểm nam tính độc hại trong xã hội suốt từ trước đến nay.
Phim hoạt hình phần nào tấn công quan điểm nam tính độc hại kiểu cũ
Rõ ràng, sự nam tính là một điều tuyệt vời (và đàn ông không phải một khối đơn điệu). Tuy nhiên, điều định nghĩa đến sự nam tính “độc hại” là suy nghĩ phổ biến rằng sự nam tính chỉ có thể được thể hiện thông qua các ý hạn hẹp như: địa vị, vũ lực, sực hung hăng và rắn rỏi (những đặc điểm vốn không xấu xa nhưng cần sự cân bằng). Theo những chuẩn mực này, cảm xúc, sự dễ tổn thương và lòng trắc ẩn được coi là điểm yếu. Quy tắc hạn chế này của sự nam tính có thể mang lại sự tự hủy hoại, vì các chàng trai và những người đàn ông được dạy để theo đuổi một sự tự tôn nam giới, mà thường kết thúc bằng việc kìm nén cảm xúc của họ để duy trì sức mạnh và sự kiên định. Điều này có thể đơn giản như một cậu bé từ chối xem một bộ phim như Frozen vì nó “nữ tính” hoặc phức tạp như một người đàn ông trưởng thành dùng đến việc bạo hành có hệ thống hoặc bạo lực để tranh giàh quyền lực. (Vì bài viết đang đang thiết yếu hóa giới tính ở đây, nên các phái nữ mạnh mẽ cũng có thể thể hiện hành vi độc hại rập khuôn – những bộ phim như ‘Mean Girls’ và ‘My best friend’s wedding’ cũng đưa chúng ta đối mặt với sự liên quan về việc khủng bố cảm xúc một cách bí mật)
‘How to Train Your Dragon 3: The Hidden World’ đã ra mắt ở vị trí số 1 vào cuối tuần vừa qua, kiếm được 58 triệu đô la tại phòng vé Bắc Mỹ. Phần 3 thể hiện quá trình “tiến hóa” của Hiccup, một chàng trai Viking gầy gò, hiền lành mà mọi người coi anh là vô giá trị cho đến khi anh ta sử dụng sự đồng cảm và khéo léo của mình để tìm kiếm sự hòa bình giữa làng và kẻ thù rồng của họ. Trong mỗi bộ phim, anh liên tục phát triển dần thành một người cai trị khôn ngoan, mang đến những định nghĩa mới về ý nghĩa của việc trở thành thủ lĩnh, đối với một nền văn hóa coi trọng sự nam tính truyền thống. Đàn ông học cách trở thành nhà lãnh đạo là một tuyến truyện của nhân vật khá tiêu chuẩn, nhưng một số phim hoạt hình trong năm ngoái cũng đã đẩy mạnh sự chuyển đổi này, khi trực tiếp thách thức và từ chối các mô hình hiện đại cụ thể của chúng ta về sự nam tính độc hại.
Các phim hoạt hình hiện đại mang lại cái nhìn khác biệt về vai trò giới tính
Trong rạp chiếu phim với ‘The Lego Movie 2: The Second Part’, tác giả Robyn cảm thấy có một sự deja vu thoáng qua khi chứng kiến nhân vật Lego nhếch nhác, tốt bụng Emmet (Chris Pratt) đấu tranh với Rex Dangervest (cũng là Pratt lồng tiếng). một phiên bản của chính anh ta từ vòng thời gian khác, biến thành một người khó khăn và coi trọng bản thân sau bị kịch (một sự so sánh song song thú vị của chính Pratt khi anh từ anh chàng tốt bụng thành người hùng hành động trong các phim gần đây). Emmet kết bạn với Rex, và dành toàn bộ thời gian phim cố gắng học theo tính cách nhân vật người đàn ông cứng rắn từ người bạn mới với hy vọng gây ấn tượng với Cool Girl Lucy (Elizabeth Banks) dữ dội. Chẳng mấy chốc, anh ta nhận ra những “người ngoài hành tinh” cực kỳ nữ tính tấn công cộng đồng của mình thật sự rất thân thiện và kẻ thù thực sự là sự vị kỉ tàn nhẫn của Rex. Nhưng gượm đã, chẳng phải trong một bộ phim hoạt hình gần đây, chúng ta cũng thấy một người anh hùng đáng yêu chợt nhận ra anh ta chính là nhân vật phản diện ngay từ lúc đầu?
Đó chính là ‘Ralph Breaks the Internet, phần tiếp theo thú vị của ‘Wreck-It-Ralph’ năm 2012, cho chúng ta thấy nhân vật khổng lồ hiền lành Ralph trong trò chơi điện tử của chính anh (John C. Reilly) bị mắc vướng vào cơn thịnh nộ và sự bất an của chính mình trước viễn cảnh cô bạn thân bé nhỏ Vanellope (Sarah Silverman) bước ra khỏi hệ thống arcade của họ để tham gia một trò chơi web mới đầy thách thức (cũng giống với việc người bạn thân nhất của bạn chuyển đến trường đại học trong khi bạn bị bỏ lại phía sau ở quê nhà). Cô gái nhỏ bé càng mơ mộng về trò chơi Slaughter Race trưởng thành hơn, Ralph càng sợ hãi và cố gắng kiểm soát tình hình với những âm mưu lừa lọc và thao túng Vanellope để buộc cô phải ở bên mình mãi mãi. Những con quái vật bên trong mà anh ta phải đối mặt trở nên hiện hữu hơn khi một con virus nhân bản những sai sót của anh ta thành những Ralph nhỏ mang nặng tính sở hữu và đeo bám, tạo thành một con Goliath với nguy cơ phá hủy toàn bộ Internet. Chỉ khi anh ta thú nhận cảm xúc thật của mình và chấp nhận nhu cầu phát triển của bạn mình, thì những con quỷ bên trong anh mới thực sự bỏ cuộc.
Những bộ phim hậu hiện đại và mang tính thời đại này không thực sự quá tinh tế khi thể hiện các bài học của họ, nhưng mỗi phim lại mang lại một góc nhìn mới mẻ về cách mà văn hóa của chúng ta diễn giải “người tốt” so với “kẻ xấu” như thế nào. Và chúng không phải là những bộ phim duy nhất phát hành trong năm ngoái đã đặt câu hỏi về sự tương đương sai lệch giữa sức mạnh nội tại với hành vi bắt nạt. Trong ‘Spider-Man: Into the Spider-Verse’ (cùng một nhóm viết kịch bản với hai trong số các bộ phim Lego), chàng thanh niên Miles Morales không chỉ học được ý nghĩa là một Người Nhện sẽ như thế nào, mà cuối cùng còn là việc một người đàn ông phải như thế nào. Cậu còn phải đấu tranh với một người cố vấn ích kỷ và tự thương hại mình là Peter B. Parker, một Người Nhện hay hờn dỗi với Hội chứng Peter Pan và các vấn đề về sự cam kết trong mối quan hệ của chính mình. Miles cũng phải đáp ứng những kỳ vọng của người cha cảnh sát trong khi xem xét lại tình yêu và sự ngưỡng mộ của cậu đối với người chú bạo lực, và còn không phải là người đàn ông giống như cậu nghĩ. Và Miles Morales cũng phải chiến đấu với một tên tội phạm phải đối mặt với sự nam tính độc hại của chính mình, Kingpin – một ông trùm băng đảng độc ác cố gắng xé toạc hiện thực (theo đúng nghĩa đen) vì gã không thể chấp nhận cái chết vô tình của vợ và con trai.
Các ứng đề cử Oscar cùng với ‘Spider-Verse’ và ‘Ralph’ là ‘The Incredibles 2’ và ‘Mirai’ cũng đều đặt câu hỏi về vai trò của mỗi giới tính trong gia đình. Trong phần tiếp theo của bộ phim kinh điển năm 2004, Mr. Incredible giờ đây đã trở thành một người bố nội trợ khi vợ ông, Elastigirl, trở lại làm công việc của một siêu anh hùng, thể hiện rõ nét hơn hiện thực của một người đàn ông mạnh mẽ phải vào vào trò của người mẹ, còn một người mẹ bận rộn phải trở thành hình mẫu ở cả công ty và gia đình. Còn anime giả tưởng ‘Mirai’ của GKIDS tập trung vào một gia đình đang gặp khủng hoảng khi có thêm một cô con gái mới vào nhà và đe dọa sự ổn định của họ – ít nhất, là trong suy nghĩ của nhân vật chính 4 tuổi, Kun, người gặp khó khăn trong việc chấp nhận em gái mới của mình. Kun, giống như bất kỳ đứa trẻ nhỏ nào, càu nhàu và đả kích bố mẹ mình. Nhưng sự chật vật của chính cha mẹ cậu với trách nhiệm gia đình cũng đã bổ sung thêm một lớp chuyện hấp dẫn: mẹ cậu hỏi cha cậu về lý do vì sao ông không giúp đỡ nhiều hơn khi Kun được sinh ra và tại sao những người khác khen ông khi ông thực hiện các nhiệm vụ mà bà đã mặc định được kỳ vọng để làm nó. (Ngay cả trong bộ phim ‘The Lego Batman Movie’ cũng thể hiện một Người Dơi đối mặt với những sang chấn tâm lý của mình để trở thành một hình mẫu người cha cho Robin trẻ.)
Tại sao thể loại này và tại sao bây giờ?
Việc đấu tranh chống lại các phiên bản nam tính độc hại luôn là một phần của sự phát triển trong Disney, như Pinocchio phải phát triển các kỹ năng giao tiếp để trở thành một cậu bé thực sự. Hãy nhớ Đảo Pleasure (Đảo Vui Thú), vùng đất tưởng tượng cực kỳ đáng sợ nơi mà những cậu bé – và chỉ những cậu bé! – hút thuốc, uống rượu, bắt đầu câu lạc bộ đánh nhau của riêng mình và sau đó biến thành những con lừa để buôn người vào làm việc trong các mỏ muối? Hay Simba kiêu ngạo rũ bỏ trách nhiệm của mình với tư cách là vua cho đến khi anh ta tìm thấy lý tưởng nội tại của mình để đánh bại ông chú Scar bạo ngược của mình? Ngay cả Shrek hay cáu kỉnh của DreamWorks cũng phải bỏ đi sự thô lỗ nhường chỗ cho tình yêu.
Nhưng với tình hình chính trị của chúng ta thay đổi, thì các giá trị chúng ta muốn truyền cho con cái chúng ta cũng vậy. Rõ ràng, những người lớn đứng đằng sau những bộ phim này, như phần còn lại của xã hội, đang đồng thời trải nghiệm một thế giới, nơi mà #MeToo đã cách mạng hóa cách những nạn nhân thảo luận về vấn đề lạm dụng và cũng là nơi mà hàng loạt cử tri trên toàn cầu đã chuyển sang các nhà lãnh đạo mạnh mẽ để nhận được định hướng. Các nhà sản xuất phim thiếu nhi đã lồng ghép những tình cảm xã hội vào các câu chuyện của họ trong nhiều thập kỷ qua. Nhưng các tựa phim gần đây cho thấy những sự chuyển biến nhanh trong cách xã hội của chúng ta hiểu về giới tính đã tạo ra một sự phản hồi mạnh mẽ từ những người phụ trách phần giải trí cho con em của chúng ta.
HD – Cuồng Phim
Theo Robyn Bahr – Hollywood Reporter
[ad_2]
Cuồng Phim