[ad_1]
Khi các nước láng giềng Đông Nam Á làm phim, tôi thường hiếu kì cách họ đưa những vấn đề gần gũi tương tự ở chính Việt Nam lên màn ảnh rộng thế nào. Sau bộ phim đầu tay Pa Happy She Ta Yer (2015), đạo diễn Thái Lan Prueksa Amaruji trở lại với Bikeman (2018). Prueksa Amaruji tiếp tục trung thành với dòng phim tâm lý hài, khai thác hàng tá “chuyện thường ngày” xoay quanh nam chính Sakkarin (Pachara Chirathivat) 25 tuổi điển trai số nhọ. Gia đình cậu gặp khó khăn khi cha mất sớm, bà bệnh nặng, mẹ lao động kiếm sống không được bao nhiêu. Họ cùng nhau sống trong căn nhà trên sông, tách biệt phố thị náo nhiệt. Bỏ chiếc mũ cử nhân xuống chưa được bao lâu, Sakkarin đội ngay chiếc mũ bảo hiểm chạy xe ôm. Mỗi ngày cậu phải đi quãng đường dài bằng các phương tiện khác nhau để đặt chân tới Bangkok chạy xe. Chuyện sẽ không quá rắc rối nếu Sakkarin không nói dối với gia đình rằng mình là nhân viên ngân hàng đang sắp lên chức phó phòng. Cái kim trong bọc lâu ngày loi nhoi ló đầu lòi ra. Xuyên suốt bộ phim là những màn tung hứng chọc cười khán giả khi Sakkarin càng cố che giấu sự thật thì hàng loạt nhân vật khác lại cố lật tẩy nó. Cốt truyện có thể đẩy cảm xúc của khán giả chạm ngưỡng lâm li bi đát nhưng Prueksa Amaruji lại chỉ dựa vào đó để nảy sinh yếu tố hài. Vậy nên tất cả những nhân vật xuất hiện trong Bikeman đều được tận dụng tối đa tung mọi chiêu tới tấp xem khán giả có thể cười lật ghế hay rụng rốn. Hình thể, cử chỉ, lời nói… của các tuyến nhân vật phụ như mẹ Suree (Jennifer Kim), chú Preecha (Kom Chauncheun), tên sếp xấu tính A (Pramote Pathan), bạn đồng nghiệp xe ôm Long/Ongart (Robert Saikwan) đều đặt vào những tình huống “cù lét” người xem. Đa phần là trơn tru, một vài chỗ gượng ép, thậm chí là quá lố, chẳng hạn phân đoạn sếp A và cô thực tập sinh nude bán thân trong khách sạn. Những mảng miếng hài trong phim cũng không mấy phong phú, có những phân đoạn mà khán giả dễ dàng nhìn thấy công thức cũ gây cười lặp lại y nguyên, chỉ thay bối cảnh. Tình cảm gia đình, tình bạn trong phim cũng cần thêm chất xúc tác để khiến khán giả có nhiều cảm xúc – điều mà Thái Lan vẫn làm được ngay cả trong những clip quảng cáo ngắn ngủi. Đáng tiếc với bộ phim dài gần 2 tiếng này mới chỉ chạm ngưỡng làm cho có. Đấy là chưa kể phim còn nhét quảng cáo các nhãn hàng và dịch vụ lộ liễu, biến phim thành từ điển tra cứu thương hiệu cho khách hàng. Tình yêu trong phim nảy sinh vội vàng, đối thoại ngô nghê và khuôn mẫu như viết cho sitcom. Hương vị tình yêu trong Bikeman giống như viên kẹo cao su nhạt nhai gần xong. Jai muốn ra khỏi vùng an toàn, chán ghét ngân hàng và muốn làm việc ở ngành hàng không. Trong khi Sakkarin khao khát ngân hàng nhưng may mắn chẳng khi nào mỉm cười với cậu. Cách giải quyết cuối cùng khá thiếu thuyết phục, chỉ khiến nhân vật chính thêm mất điểm trong mắt khán giả. Tôi trông chờ nhiều hơn về một hình tượng Bikeman khác, nhất là trong thời đại xe ôm công nghệ đang phát triển chóng mặt. Sananthachat Thanapatpisal trong vai Jai, cô nàng xinh đẹp mà Sakkarin “đổ” từ thời còn đi học. Cùng đóng trong Hormones the Series (2013-2015) nhưng Win của Pachara là nam chính bad boy còn Dao của Sananthachat lại là siêu phụ nhạt nhòa. Đến Bikeman, họ mới chính thức trở thành một cặp. Tuy vậy, Sananthachat trong phim lại quá một màu, hầu như lúc nào cũng chỉ biết mỉm cười tít mắt. Ngay ở phân đoạn cao trào, cô cũng chẳng làm được gì nhiều ngoài biểu cảm không hề đặc sắc. Có điểm cộng ngoại hình hấp dẫn, chàng thiếu gia đa tài xứ Chùa Vàng biệt danh Peach, thủ vai Sakkarin. Đây vai diễn “dám thay đổi” của thiếu gia Peach và thật may, anh tạm gọi là thành công, thu hút được sự chú ý của người xem. Bikeman không phải là bộ phim tệ và thích hợp để xem giải trí, nhưng cần nhiều đột phá hơn nữa để khán giả thấy “đã”, như các phim Thái thành công trước. Thay vì giống như trò tàu lượn siêu tốc lao từ trên cao xuống, bộ phim mang đến cảm giác đều đều nhàm chán, như chơi đu quay cấp độ không có ghế nhấp nhô.
The post Bikeman: Nam Thần Xe Ôm appeared first on 35mm.vn.
[ad_2]
Source link