[ad_1]
Đạo diễn Lưu Trấn Vỹ nổi danh với loạt phim Đại Thoại Tây Du chuộng phong cách hài giả tưởng xuyên không. Hai phần đầu của phim ra mắt năm 1995 khiến chàng Chí Tôn Bảo của Châu Tinh Trì được lòng cả khán giả lẫn giới phê bình. Đến khoảng 10 năm sau, Lưu Trấn Vỹ “ăn theo” chính mình và tự đập bỏ hình tượng Đại Thoại Tây Du mà ông đã kỳ công xây dựng. Phần phim thứ ba bị chê tơi tả với cốt truyện yếu cùng hàng loạt tình huống vô lý, dư thừa, nhảm nhí. Những chi tiết như Ngọc Hoàng mới là người sáng tạo nên Tây Du Ký hay Đường Tăng trở thành con của Tôn Ngộ Không khiến Đại Thoại Tây Du 3 (2016) trở thành bộ phim “qua cầu rút ván” quay lưng lại nguyên tác với một thái độ không gì vô lễ hơn. Trở lại với Kung Fu League (2018), liệu Lưu Trấn Vỹ có “lợi hại hơn xưa” hay “thảm hại hơn xưa”?
Dòng phim xuyên không có thể mang bộ ba tướng thời Minh đến thế kỷ 21 quậy phá (Iceman) hoặc biến Tôn Ngộ Không và Bạch Cốt Tinh thành uyên ương thời hiện đại (The Dream Journey). Vậy chắc sẽ không quá ngạc nhiên khi Lưu Trấn Vỹ để cho bốn vị đại tông sư Hoàng Phi Hồng, Hoắc Nguyên Giáp, Trần Chân, Diệp Vấn cùng bị triệu hồi đến thời đại của chúng ta để giúp chàng trai Phí Anh Hùng nhát gan… cua gái.
Kung Fu League quy tụ dàn sao võ thuật có tiếng như Triệu Văn Trác (Hoàng Phi Hồng), An Chí Kiệt (Hoắc Nguyên Giáp), Trần Quốc Khôn (Trần Chân), Đỗ Vũ Hàng (Diệp Vấn). Dàn diễn viên chính được mời diễn các nhân vật mà họ đã thể hiện thành công trong những bộ phim trước đó. Thực chất họ đang “parody” hay hài giễu nhại chính mình trên màn ảnh rộng.
Tôi thích ý tưởng này và đến quá nửa phim, tôi vẫn hài lòng với Kung Fu League. Dù cách họa sĩ truyện tranh Phí Anh Hùng (Thư Á Tín) gọi 4 thần tượng xuyên không chỉ bằng cái mô hình bánh sinh nhật mini trông chẳng ngầu chút nào. Phim về võ thuật tất nhiên các chiêu thức xuất hiện liên tục. Võ ai nấy dùng, Hoàng Phi Hồng có Vô Ảnh cước, Hoắc Nguyên Giáp có Mê Tung quyền. Các màn tỉ thí võ công một chọi một, một chọi nhóm đậm đặc chất chiến đấu pha trộn nhiều thời kỳ võ thuật đỉnh cao.
Nhưng nếu thế thì Kung Fu League đâu khác mấy phim bộ thuê băng trong tuổi thơ mỗi người? Điều khác biệt là cách tứ đại cao thủ dùng võ công tuyệt kĩ của mình để làm gì trong thời điểm năm 2018 khi thế giới hiện đại thay đổi đến chóng mặt. Bước chân đến đây, có là sư phụ của sư phụ chăng nữa vẫn chỉ là những người ăn đồ fastfood khuyến mại, xa lạ với google và chẳng thể thắng nổi bộ giáp sở hữu thuật toán tinh vi. Tạo những tình huống hài nhờ vào việc đặt các nhân vật vào thế giới khác không xa lạ, nhưng xử lý thế nào cho nhẹ nhàng, duyên dáng và tránh quá lố lại là cái tài của nhà làm phim. Lưu Trấn Vỹ đã tiết chế phù hợp để phim không trở thành hài nhảm và thành công bước đầu ở chiêu thức gây hài quen thuộc này.
Chiêu thức thứ hai Lưu Trấn Vỹ sử dụng trong phim mà tôi đánh giá khá tốt, đúng kiểu “một mũi tên trúng hai đích”. Hình tượng của bốn tông sư được tái tạo không phải kiểu lột xác hoàn toàn có thảm họa như cách ông đã làm với Đại Thoại Tây Du 3. Lưu Trấn Vỹ khiến khán giả nhìn lại Hoàng Phi Hồng, Hoắc Nguyên Giáp ở góc nhìn khác, vừa để cười ngả nghiêng, vừa dừng lại suy nghĩ. Mải mê hành hiệp trượng nghĩa bao năm, Hoàng Phi Hồng trở thành người đàn ông cứng nhắc, thiếu tinh tế và không hề lãng mạn. Đó là lý do khiến Thập Tam Muội ngoại tình với Hoắc Nguyên Giáp. Ngay đầu phim, mối tình tay ba này đã đủ thú vị để hấp dẫn người xem kể cả khi Hoắc Nguyên Giáp chưa trực tiếp xuất hiện.
Trần A Chân trong phim là đồ đệ trung thành của Hoắc Nguyên Giáp, khi thì láu cá, lúc lại vô cùng ngô nghê. Trái với uy nghi thường có của các sư phụ đối với đồ đệ, Hoắc Nguyên Giáp luôn phải nhờ A Chân giúp sức trong các tình huống “tiến thoái lưỡng nan”. Thân phận thực sự của Diệp Vấn cũng khiến khán giả bật cười, như là ẩn dụ cho lối “ăn theo” hình tượng, đồ fake không khi nào xịn bằng đồ thật. Đến đây thì tôi thấy Lưu Trấn Vỹ đang parod” tư duy làm phim của chính bản thân mình trước đó, hay “bệnh chung” của hàng loạt bộ phim ăn theo khác khi dạo quanh một vòng điện ảnh nước nhà.
Địa điểm đầu tiên của thế giới hiện đại mà các nhân vật đặt chân đến, là phim trường Hoàng Điếm. Đó là nơi họ gặp gỡ kết tình huynh đệ và đồng lòng tìm kế sách trở về. Quen với lý tưởng trừ gian diệt ác, các vị tông sư tội nghiệp xả thân lao vào cứu kẻ yếu thế mà chẳng hề hay biết người ta đang…đóng phim. “Tôi đảm bảo sẽ nâng đỡ anh làm Triệu Văn Trác thứ hai/Ta không biết Triệu Văn Trác là ai. Nhưng Hoàng sư phụ ta tuyệt đối không làm Triệu Văn Trác thứ hai. Ta chỉ có thể là chính mình”. Đoạn đối thoại giữa Hoàng Phi Hồng và vị đạo diễn lạ mặt thời hiện đại với tôi không chỉ mang màu sắc hài hước thông thường. Đó là lời tự vấn của những diễn viên tên tuổi thành công trong nền điện ảnh võ thuật làm mưa làm gió suốt bao năm nay: Liệu họ thành công bởi chính tài năng của mình hay chỉ núp bóng thơm lây danh tiếng từ các nhân vật họ thể hiện?
Và khán giả hiện đại như chúng ta, vốn chẳng biết mặt mũi các vị anh hùng hảo hán từ những niên đại xa lắc xa lơ, thực chất là đang yêu thích hình tượng nhân vật hay chính vẻ điển trai hào hiệp của diễn viên? Việc thoát vai khỏi các nhân vật để sống cuộc đời bình thường nhiều khi gây sốc cho khán giả, tạo nên những scandal tai tiếng, câu chuyện quá quen trên mặt báo hàng ngày. Trong Kung Fu League, Lưu Trấn Vỹ có những chỉ dẫn có thể ngẫu nhiên nhưng vẫn khiến khán giả nghĩ ngợi.
Đáng tiếc, phim lại mắc một số lỗi khó bỏ qua. Nhân vật nữ chính Bảo Nhi (Mạch Địch Na) có nét gì hấp dẫn mà khiến Phí Anh Hùng khao khát danh hiệu đệ nhất cao thủ, đến mức triệu hồi 4 vị cao thủ? Người anh họ bấy lâu thầm thương trộm nhớ Bảo Nhi bỗng nhiên trở thành nhân vật phản diện bất đắc dĩ với những chiêu trò không khác gì trẻ nít. Bộ phim xây dựng nhân vật thiếu chiều sâu trong một kịch bản phân bố không đồng đều. Lỗi này còn lặp lại ở nhân vật sư phụ phản diện Kiều Sơn Hổ, chỉ tỏ vẻ nguy hiểm và không làm được gì hơn ngoài cười nham hiểm. Phí Anh Hùng may mắn được đả thông kinh mạch ở đoạn cuối chỉ càng chứng tỏ cách giải quyết vội vàng khi lâm vào thế ngõ cụt của biên kịch. Châu Kiệt Luân xuất hiện trong tích tắc, còn không có nổi cái tên tử tế và một câu thoại hoàn chỉnh, đúng kiểu diễn viên khách mời chỉ để hút khách.
Kung Fu League lạm dụng kĩ thuật công nghệ khiến không khí phim bị mất chất. Bộ giáp trí tuệ nhân tạo tương đồng với hàng loạt ý tưởng của điện ảnh phương Tây. Dựng phim bám vào slow-motion nhiều đến mức có khi khán giả tự hỏi chắc các diễn viên đánh tệ đến mức phải dùng chiêu này để tạo cảm giác võ thuật. Ngay cảnh đi dạo trên thuyền của Hoàng Phi Hồng hay cảnh ngắm hoàng hôn giữa Phí Anh Hùng và Bảo Nhi cũng phải nhờ đến kỹ xảo. Kung Fu League khiến tôi liên tưởng tới bộ phim Fat Buddies gần đây của Bao Bối Nhĩ, sử dụng kỹ xảo quá tay dẫn tới hệ quả “hoạt hình hóa” nhiều phân đoạn, thiếu chân thực và không cần thiết.
Kung Fu League sở hữu nhiều yếu tố mang chất hài trào phúng, khiến khán giả cười trước nghĩ sau, thay vì cười liền quên liền. Dù không thật sự đáng khen, bộ phim cũng cũng đánh dấu màn tái xuất tạm ổn của Lưu Trấn Vỹ sau cú ngã ngựa thảm thương từ Đại Thoại Tây Du 3.
[ad_2]
Source link