Những vật cũ kỹ làm lòng ta say mê lạ thường.
Bộ phim The Grand Budapest Hotel đã nhắc lại cho tôi nhớ đến vẻ đẹp kiều diễm và lộng lẫy của quá khứ, về khoảng thời gian đã trôi qua khi đang tắm mình trong tuổi thơ, mà tuổi thơ thường đi kèm với vẻ hưng thịnh nhất của tâm hồn con người, nơi có những ô cửa luôn rộng mở để đón lấy ánh nắng ban mai rực rỡ nhất.
Bộ phim được dẫn dắt qua lối kể chuyện của một nhà văn đã từng lưu trú ở khách sạn khi còn trẻ, do đó bộ phim cũng được tái hiện như một cuốn sách, theo từng chương hồi với cốt truyện liền mạch. Nhân vật nhà văn (Jude Law) được nghe người chủ hiện tại của khách sạn – Mr Moustafa (F. Murray Abraham) kể chuyện về người chủ trước kia và cũng là người thầy đáng kính trọng của ông – M. Gustave (Ralph Fiennes).
Trong phim, màu tím đã bao trùm toàn bộ chiều dài lịch sử của khách sạn: màu tím đế vương huyền ảo mang dáng hình quá khứ – quãng thời gian thịnh vượng nhất, đến màu tím hồng nền nhã bắt nắng của khách sạn, màu tím đồng phục trang nghiêm, màu tím pha nâu ngậm ngùi nhìn từng cuộc chiến xâm phạm lãnh thổ và sự bình an con người. Màu tím than, biểu tượng tang tóc của lá cờ và quân đội phát-xít, đối lập với màu tím hồng nền nhã của khách sạn Budapest.
Ngoài ra, bộ phim cũng tập trung nhiều diễn viên nổi tiếng (có người từng gặt hái thành công ở các giải thưởng điện ảnh lớn), nên mình cảm thấy bộ phim này như một bữa tiệc mà đạo diễn muốn tri ân đến các ngôi sao màn bạc. Tuy nói thế nhưng không có nghĩa đây là bộ phim dở. Điều đầu tiên là bộ phim đã thỏa mãn thị giác của người xem, đặc biệt là một chuỗi các sắc thái tím liên tục biến đổi linh hoạt theo tâm trạng nhân vật và theo thời cuộc biến động giữa hai Thế chiến. Tiếp theo sau đó là điểm nhấn chính trong nội dung kịch bản, bộ phim khắc họa tính duy mĩ trong xã hội còn nặng nề phân biệt giai cấp, đó là tình bạn chân thành giữa chủ và tớ, tôn vinh vẻ đẹp nghĩa tình giữa hai con người khác nhau cả về tuổi tác lẫn địa vị xã hội.
Gustave là một người quản lý huyền thoại của khách sạn The Grand Budapest, một khách sạn nổi tiếng ở Châu Âu giữa hai cuộc Thế Chiến. Ông rất nghiêm khắc, thích sử dụng nước hoa, yêu thơ ca, đặc biệt là có thể làm thơ ở bất cứ đâu. Khách sạn Budapest qua bàn tay của ông ngày càng lớn mạnh hơn, là nơi mà ai cũng ao ước được ghé thăm vào một lần bởi kiến trúc lộng lẫy, tráng lệ và những dịch vụ tiện nghi sang trọng. Việc liên tục thỏa mãn các đòi hỏi khắt khe của những vị khách giới thượng lưu làm cho cuộc sống của M. Gustave luôn xoay quanh những bất ngờ thú vị, ông gần như là người bạn tâm giao, là nơi chứa đựng những bí mật từ kinh dị nhất cho đến mông muội nhất của họ. Đối lập hẳn với cuộc sống bận rộn buổi sáng, M.Gustave khi đêm buông lại cô quạnh ngồi ăn một mình trong căn phỏng chật hẹp và xấu xí nhất khách sạn, ông sống đơn giản và thật sự cô độc. Điều này làm tôi có liên tưởng ít nhiều đến những người có khả năng giúp người khác giải khuây nỗi buồn, nhưng chính họ, hơn ai hết, chính họ là những kẻ luôn chìm đắm trong buồn bã và đau khổ, ngập úng trong hàng đêm dài miên man vì sự lẻ loi của bản thân.
Còn Zero, anh chàng nhân viên khu vực sảnh mới vào khách sạn, bằng cấp không, kinh nghiệm không, gia đình không, giấy tờ cũng không. Cuộc đời của Zero trước khi vào khách sạn Budapest đúng như tên gọi của anh. Điều duy nhất Zero có là lòng nhiệt tình làm việc và say mê học hỏi, hơn cả là sự trung thành của mình. Trải qua những biến động trong khách sạn (đầu tiên là việc M.Gustave phải đi tù vì buộc tội giết người, sau đó là lần lượt hai cuộc thế chiến), Zero là người duy nhất ở bên cạnh M.Gustave và cứu ông thoát khỏi nguy hiểm. Những hành động xuất phát từ tâm của Zero không chỉ đơn thuần là công việc bình thường, mà còn là ý chí và lòng cảm phục chủ nhân của mình – Bởi lẽ chính M.Gustave, bình thường ông khó chịu yêu sách là thế, nhưng khi quân lính đòi kiểm tra giấy tờ Zero trên chuyến tàu đến nhà Madam D. thì chính ông đã sống chết để bảo vệ cậu được an toàn, thậm chí sẵn sàng liều mạng với bọn chúng. Trong phim, phân cảnh M.Gustave và Zero cùng ngồi trên chuyến tàu và bị quân lính kiểm tra giấy tờ được lặp lại hai lần. Khi phát hiện Zero không có bất kỳ giấy tờ tùy thân nào, họ yêu cầu cậu phải xuống xe ngay lập tức, và cả hai lần đó đều có ẩu đả xảy ra giữa đám quân ngang tàng phách lối và ông chủ của cậu – M.Gustave. Việc sắp xếp câu chuyện theo chiều hướng lặp lại trong 2 thời kỳ nối tiếp nhau đã khẳng định tính cách của M. Gustave, ông không hề bỏ mặc nhân viên của mình những lúc nguy nan, càng không để cho ai có quyền hiếp đáp nhân viên của mình, cụ thể là cậu nhân viên trực sảnh Zero. Những diễn biến quanh cuộc đời Zero đều là những bước đệm trung gian để tôn vinh tính cách trìu mến này của M. Gustave.
Hành động của M.Gustave khi bảo vệ nhân viên mình, lo lắng an nguy cho tập thể con người của khách sạn nhiều hơn là vật chất bên ngoài của nó đã phác họa hình ảnh của một ông chủ tốt, là một tấm gương phản chiếu để những kẻ làm chủ chỉ luôn đòi hỏi quyền lợi cho cá nhân mình mà bỏ mặc số phận của thuộc cấp phải cảm thấy xấu hổ. Theo tôi, một trong những bài học đáng giá nhất của The Grand Budapest Hotel chính là bài học về khả năng lãnh đạo và thu phục lòng người của M.Gustave. Đồng thời, kinh nghiệm sống và con mắt nhìn người tinh tường của M.Gustave đã thấy được nét đáng yêu và lòng trung thành của cậu bé Zero chẳng-có-gì-cả. Do vậy mà ông đã chọn cậu làm bạn đồng hành trên các chuyến đi có phần mạo hiềm của mình, trốn khỏi trại giam, cùng cậu vượt qua sự truy đuổi có phần bệnh hoạn của tên sát thủ khét tiếng để minh oan và đòi lại công bằng cho mình. Đó là cái tài của M.Gustave trong việc dụng nhân.
Có 1 tình tiết khá cảm động cuối phim, tiết lộ vì sao M.Gustave mất và Zero phải thay ông quản lý điều hành khách sạn, nhưng để tránh tiết lộ nội dung phim nên tôi không thể kể nhiều hơn được, chỉ biết nói là: bất ngờ, cực kỳ bất ngờ lẫn đau xót.
Bộ phim có yếu tố trinh thám đặt vào bối cảnh lịch sử khi diễn ra hai cuộc chiến tranh ác liệt và cam go nhất của lịch sử loài người. Nhưng để giảm nhiệt và muốn người xem tập trung vào tình cảm chủ – tớ giữa hai nhân vật chính, đạo diễn Wes Anderson đã thêm vào tính hài kịch ít nhiều trong phim.
Alexandre Desplat đảm nhận vai trò sản xuất âm nhạc trong phim này, việc sử dụng các nhạc cụ truyền thống vừa làm người xem cảm thấy nhẹ nhõm thoải mái, vừa pha đậm sự trù phú và vẻ đẹp vĩnh cữu của quá khứ lộng lẫy của khách sạn Budapest.
Ngoài ra, như đã nói phía trên thì bộ phim quy tụ nhiều diễn viên nổi tiếng như: Ralph Fiennes, F. Murray Abraham, Bill Murray, Adrien Brody, Jude Law, William Dafoe, Saoirse Ronan, Léa Seydoux… nên trong lúc xem phim mà mình tập trung quá nhiều vào danh tiếng của họ thì sẽ làm gián đoạn việc cảm nhận các thông điệp bộ phim, có khi là rất ấm ức, vì nhiều người chỉ xuất hiện có vài giây thôi, thậm chí là có vai diễn chưa kịp nhớ tên.
Cuối cùng, “Những vật cũ kỹ làm lòng ta say mê lạ thường” là câu nói của M.Gustave đọng lại trong tôi nhiều nhất. Ông là người hoài cổ, luôn giữ cho mình sự thơm tho bởi loại nước hoa hảo hạng, và đồng thời, ông là người luôn ngóng trông về quá khứ, tìm kiếm vẻ đẹp hưng thịnh của Budapest thời hoàng kim, của những điều đã đi qua với ông, lưu lại trong màu tím của Budapest mà ông sẽ mang theo mình suốt cuộc đời.
Nguồn: 35mm