Hồi bé, tôi từng có dịp lướt qua Hà Nội trong một lần về quê ngoại. Gọi là lướt vì tôi chỉ ngồi trong xe, nhìn ra ngoài. Hà Nội không nằm trong lịch trình.
Thú thật tôi chả nhớ được gì nhiều ngoài những cảm giác, hình ảnh chung chung.
Nóng, mồ hôi nhễ nhại, những chiếc quạt giấy màu tím than, mặt đường đen thẫm, loang loáng dưới ánh nắng mặt trời, người và xe, ồn ào huyên náo, những ngôi nhà bé tẹo mà lại cao lênh khênh…
Và đã kéo tất cả cửa sổ xe khách rộng hết mức nhưng vẫn oi bức kinh khủng, dù trời chỉ vừa mới mưa xong. Một cơn mưa rất to và nặng hạt. Mưa mùa hạ.
…….
Trần Anh Hùng là một fan cứng của Haruki Murakami. Tôi không biết liệu anh có đọc truyện của Haruki trước khi bắt đầu hoạt động nghệ thuật của mình hay không, nhưng trong cái không khí những tác phẩm điện ảnh của anh ngay từ những ngày đầu tiên như Mùi Đu Đủ Xanh (1993) hay Xích Lô (1995), đều đã có phảng phất chút gì đó huyền hoặc, mông lung, nặng nề và chậm rãi đầy chất nhạc – một phong cách rất Murakami. Có thể Hùng bị Haruki ảnh hưởng, có thể đó là sự trùng hợp ngẫu nhiên trong ý tưởng nghệ thuật giữa hai tâm hồn đồng điệu, hoặc đơn giản đó chỉ là ngộ nhận trong con mắt nông cạn và tầm thường của kẻ ngu muội – chính là tôi đây.
Vậy nên khi xem Mùa Hè Chiều Thẳng Đứng, tôi không khỏi nghĩ ngợi, liệu Trần Anh Hùng có vay mượn một ý tưởng nào đó trong những câu chuyện của Haruki Murakami hay không? Nhưng dần dà tôi cũng loại bỏ được ý nghĩ đó ra khỏi đầu mình. Vì kỳ thực, với tôi, cả Hùng và Haruki đều không phải là “người khởi nguồn”, những ý tưởng trong những câu chuyện họ kể đều là những thứ bình thường và quen thuộc, ai cũng có thể nghĩ ra được, ví dụ như mối quan hệ giữa đàn ông và đàn bà, sự cô đơn, khắc khoải, cội nguồn những xúc cảm tâm hồn và cảm giác thể xác trong mỗi con người… Cái hay của họ, là biến những câu chuyện tầm phào tưởng chừng không liên quan như thế, thành một mạch dài thống nhất, khiến người đọc / người xem không thể ngừng theo dõi.
Tuy nhiên, không phải là giữa Hùng và Haruki không có những điểm khác biệt. Cái khiến cho những bộ phim của Trần Anh Hùng nổi bật và để lại ấn tượng trong lòng người xem, chính là cách anh xoáy sâu vào tuyến nhân vật nữ. Thậm chí so với Murakami, có lẽ, Trần Anh Hùng còn nhỉnh hơn một chút trong khía cạnh này; Haruki không phải là không thể phân tích nổi những cảm giác của những nữ nhân do mình tạo nên, tuy nhiên, có lẽ vì những lý do nào đó không thể gọi tên chính xác, ông thường bỏ lửng nó trong những tác phẩm của mình.
Nhưng nói thế cũng không có nghĩa là Mùa Hè Chiều Thẳng Đứng là một bộ phim hoàn hảo. Nó mắc phải một lỗi mà đa số những bộ phim nói tiếng Việt của Trần Anh Hùng gặp phải: “độ cứng trong ngôn từ”. Đương nhiên nếu so với mặt bằng chung của các tác phẩm điện ảnh Việt Nam, cách Hùng dùng những đoạn hội thoại hơi “sách vở”, “tiểu thuyết” và có mùi “sến”… vẫn hơn chán vạn những câu nói trời ơi đất hỡi trong những bộ phim khác. Nhưng thật đáng tiếc khi trong một bộ phim đã mượt về hình ảnh và âm thanh đến như thế, lại khiến người xem phải ngần ngại trước vài câu từ sượng sùng, đặc biệt là những cuộc nói chuyện giữa hai anh em Liên và Hải. Giá như Mùa Hè Chiều Thẳng Đứng được xử lý một cách thật kiệm lời giống như cách Trần Anh Hùng từng làm với Mùi Đu Đủ Xanh, ắt hẳn nó sẽ vững vàng hơn nhiều.
Đang viết những dòng này thì tôi chợt nhận ra, hình như mình vẫn chưa nói gì về nội dung bộ phim cả. Thực ra thì đây cũng là một điểm tương đồng khác giữa Haruki và Hùng, những tác phẩm của họ rất khó để “kể lại”. Nếu muốn rạch ròi thì có lẽ, những gì thật sự xảy ra trong Mùa Hè Chiều Thẳng Đứng chỉ cần 3 dòng là đủ để tóm tắt. Nhưng sẽ chẳng bao giờ là đủ, sẽ vẫn còn gì đó thiêu thiếu, ta lại viết thêm 4 – 5 dòng nữa, rồi lại thêm một vài chi tiết chỗ này, một tí nút thắt chỗ kia, và đến khi hoàn thành, ta nhận ra mình vừa “chép” nguyên xi cả câu chuyện theo cách nhìn của mình.
Vậy nên nếu tò mò, tôi thật sự khuyên bạn đừng đọc nội dung của Mùa Hè Chiều Thẳng Đứng ở bất cứ nguồn nào cả, hãy xem nó với một tâm lý không hề được báo trước. Đó là một bộ phim về con người, về tình yêu, về gia đình, về Hà Nội, về buổi sáng ngái ngủ, buổi trưa nóng nực cũng như giấc ngủ không yên vì oi bức, về nhạc Trịnh, Velvet Underground và Lou Reed, về mùa hè, về tiếng chim hót, tiếng chuông chùa, tiếng ve râm ran, và tiếng mưa …
và chỉ thế thôi …
…….
P/s: Trần Anh Hùng là người đã chuyển thể tiểu thuyết Rừng Na Uy – Norwegian Wood của Haruki Murakami thành tác phẩm điện ảnh năm 2010. Bộ phim không được giới phê bình cũng như khán giả đánh giá cao, nhưng với tôi nó là hoàn hảo, lý do vì sao thì chắc các bạn cũng biết cả rồi.
Nguồn: Blacksnow308