TOKYO STORY (1953) – CUỘC ĐỜI LÀ MỘT CHUỖI NHỮNG NỖI THẤT VỌNG? (Phần 1)
Children don’t live up to their parents’ expectations. Let’s just be happy that they’re better than most.
Ozu chỉ cho người xem một sự thật hiển nhiên: phần lớn cha mẹ và con cái chẳng thể hòa hợp chung sống đến hết cuộc đời (vâng, nói ra thì mới thấy nó không dễ thừa nhận chút nào); vấn đề là lễ giáo, tình cảm ruột thịt, quan niệm về “hiếu thảo”… là những thứ luôn khiến chúng ta tự vướng vào các rắc rối lẫn mâu thuẫn: một mặt muốn tách rời khỏi gia đình để vun đắp hạnh phúc riêng, mặt khác lại lo sợ bản thân trở thành “con quái vật” trong ánh mắt xã hội cũng như khi đối diện với lương tâm chính mình. Tokyo Story đã khác thác đề tài nặng nề đó nhẹ bẫng như không.
Và trên cái nền câu chuyện ấy, Yasujirô Ozu còn đưa bộ phim vươn xa hơn, mang tới những câu hỏi để người xem suy ngẫm về ý nghĩa cuộc của sống, sự tử tế cũng như nỗi cô đơn khi về già.
You may be happy while you’re still young. But as you become older, you’ll find it lonely.
…….
Nhưng có một nhân vật mà chẳng khán giả nào đồng cảm nổi: cô con dâu Noriko. Lương thiện và tử tế đến mức khó tin, vai diễn này được thể hiện bởi Setsuko Hara – một trong những minh tinh huyền thoại trong lịch sự điện ảnh Nhật Bản.
Cô quá tốt bụng, quá vị tha và quá hoàn hảo – hệt như một “thánh nữ” – dạng vai diễn tôi chắc chắn rằng người xem sẽ ghét bỏ hơn là yêu thích. Ấy thế mà chúng ta lại không thể hoài nghi về sự chân thật ở nhân vật Noriko, trong mọi phút giây cô xuất hiện trên màn ảnh.
Chẳng đẹp lỗng lẫy, nhưng Setsuko Hara lại luôn cuốn hút người xem với những cử chỉ ân cần, giọng điệu dịu dàng và thần thái thoát tục. Noriko dù buồn hay vui, cười hay khóc thì cũng đều khiến tôi nghĩ rằng cô chỉ đang biểu lộ 1/10 cảm xúc ra bên ngoài. Cô nào muốn lừa gạt ai, cô chỉ sợ làm phiền lòng người khác vì câu chuyện của riêng mình – câu chuyện bé nhỏ giữa hàng triệu câu chuyện thường ngày tại Tokyo.
Một điều thú vị là trước đó, Setsuko từng đảm nhận vai chính trong 2 bộ phim khác do Ozu đạo diễn, bao gồm: Late Spring (1949) & Early Summer (1951). 2 nhân vật ấy cũng lấy tên Noriko, nhưng thân phận và tính cách thì hoàn toàn tách biệt. Mỗi Noriko lại thể hiện một nét riêng, phác họa hình ảnh người phụ nữ Nhật sau chiến tranh thế giới thứ 2: chịu ảnh hưởng bởi lễ giáo truyền thống và sống khép kín, nhưng cũng đang dần vươn lên, khẳng định tiếng nói – suy nghĩ của riêng mình.
…….
Khi dõi theo Tokyo Story, bạn sẽ bất giác nhận ra mình đang vừa tập trung cực độ, lại vừa thư giãn đến lạ thường.
Tập trung là bởi bộ phim này phải có đến 90% là các cảnh quay tĩnh, góc máy khá thấp – đặt ngang tầm nhìn một người đang ngồi bệt trên chiếu trúc. Chúng ta luôn bao quát được mọi chi tiết trong khung hình, không bỏ sót dù là một khoảnh khắc, một thay đổi nhỏ.
Và nhờ lời thoại chân thành bình dị, tốc độ diễn biến vừa phải, không nhanh cũng chẳng chậm, mâu thuẫn nối tiếp nhau từ chuyện nhỏ đến chuyện to – nhưng không bao giờ trở nên kịch tính, chẳng bao giờ vươn đến cao trào … người xem như được bọc giữa một tấm chăn dày, ấm áp, mềm mại. Loại chăn phủ bàn sưởi mà người Nhật vẫn thường dùng vào mùa đông, cuộn mình vào là chả còn muốn làm gì khác.
Xin lỗi mọi người vì tôi lại bắt đầu so sánh linh tinh, nhưng thật sự Tokyo Story là thế đấy – một bộ phim chẳng hứa hẹn điều gì với khán giả, nhưng rốt cục lại đem đến nhiều hơn tất cả những thứ mà chúng ta có thể mong chờ.
Nguồn: Blacksnow308