- Thời lượng: 99 phút
- Đạo diễn: Patricia Ferreira
- Diễn viên: Carmen Machi, Adriana Ozores, Aitana Sánchez-Gijón
Thi Mai, rumbo a Vietnam – Thị Mai, hành trình đến Việt Nam là một bộ phim hài, tình cảm của điện ảnh Tây Ban Nha. Thực sự mình chưa bao giờ nghĩ mình lại xem một bộ phim hài gồm các bà lão U50 đóng và không phải Holywood sản xuất cả. Thế nhưng đọc sơ sơ thông tin về phim và xem trailer, mình đã quyết định xem phim và quả thật, việc bỏ qua phim này sẽ là một sai lầm to lớn của mình.
Cốt truyện
Phim kể về 3 người bạn thân đã ở tuổi ngoài 50 nhưng vẫn gặp những khó khăn trong cuộc sống. Đó là Elvira bị cho nghỉ hưu sớm vì công ty mà cô đang làm muốn sử dụng nguồn nhân lực trẻ; Rosa không hạnh phúc với cuộc sống gia đình khi mà trong mắt chồng, cô giống như một osin lúc nào cũng chỉ biết phục tùng và xin lỗi và cuối cùng là Carmen – người có con gái bị tử vong do tai nạn giao thông.
Chuyện tiếp diễn khi Carmen được biết con gái bà trước khi qua đời đã nhận nuôi 1 đứa trẻ tên là Thị Mai ở Việt Nam, chính vì vậy, Carmen đã quyết định lên đường đến Việt Nam để nhận cháu nuôi và giúp con gái bà hoàn thành được tâm nguyện. Hai cô bạn Elvira và Rosa tình nguyện đi cùng để giúp đỡ Carmen cũng như giúp chính mình thoát khỏi cuộc sống bế tắc hiện tại.
Từ đây, bao nhiêu chuyện buồn vui và khó khăn xảy đến với họ khi chơi vơi ở một đất nước xa lạ. Liệu họ có gặp được Thị Mai và nhận nuôi đứa bé mồ côi tội nghiệp này không? Xem phim để biết các bạn nhé.
Mình rất bất ngờ vì phim rất ư là dễ thương. Lúc đầu tưởng phim không có hot girl thì sẽ nhàm chán lắm nhưng không ngờ các nhà làm phim Tây Ban Nha đã dàn dựng một bộ phim hết sức tuyệt vời.
Cốt truyện rất đơn giản chỉ là chuyến hành trình sang một đất nước xa xôi để đón đứa cháu nuôi nhưng lại được dàn dựng một cách logic, đan xen nhiều khó khăn và thử thách khiến cho người xem cứ thếbị cuốn theo và không thể rời mắt khỏi từng thước phim. Phim mang đến cho người xem nhiều trải nghiệm rất thú vị và một cái kết cực kỳ hạnh phúc, chắc chắn sẽ mang đến nhiều nụ cười và nước mắt cho người xem.
Đặc biệt, người Việt Nam xem phim này sẽ cảm thấy phim hay hơn bởi vì phim tập trung về đất nước chúng ta mà. Việt Nam dưới con mắt của người Tây Ban Nha là đất nước của chiến tranh và ăn thịt chó. Thật mắc cười nhưng cũng khá buồn phải không mọi người. Tuy nhiên khi các nhân vật chính đến Việt Nam, đất nước chúng ta hiện lên thật thân thương và xinh đẹp.
Các bạn sẽ thấy phố phường Hà Nội tập nập xe cộ, thấy các Ninja Lead dạo vòng quanh trên đường, thấy những địa điểm quen thuộc của thủ đô hay bắt gặp những cô chú diễn viên quen thuộc. Phim cũng có rất nhiều câu thoại tiếng Việt, mà các lời thoại này phát âm rất chuẩn và chân thật chứ không lớ lớ như các phim Holywood làm về nước ta đâu nhé. Phải xem phim các bạn mới tự khám phá được những cái hay, những điều thú vị của đất nước chúng ta qua lăng kính người nước ngoài đó.
Thi Mai có nghĩa là ngày mai theo cách lý giải của các nhân vật chính trong phim. Xem phim các bạn mới nhận ra rất nhiều bài học ý nghĩa được các nhà làm phim gửi gắm xuyên suốt hành trình tại Việt Nam của các nhân vật chính.
Đó là tình cảm gia đình cao quý, trách nhiệm của cha mẹ với con cháu, là sự quan liêu cồng kềnh của bộ máy hành chính Việt Nam, là tình yêu vượt biên giới, là sự can đảm vượt qua ngưỡng an toàn của mình, là tình yêu chân thành và là sự kỳ thị đối với cộng đồng LGBT. Chắc chắn bạn sẽ ướt mi khi xem bộ phim này, không phải vì buồn mà là vì hạnh phúc đó. Mình chấm 8,5/10 cho cốt truyện của phim nhé.
Hình ảnh
Phim không có nhiều cảnh quay phong cảnh Việt Nam hùng vĩ như các siêu bom tấn Holywood hay các phim Việt Nam gần đây thường làm. Thay vào đó, cảnh Việt Nam hiện lên rất yên bình và đặc trưng, không quá màu mè hoa mỹ nhưng cũng đủ để người xem thấy được một Việt Nam đổi thay thật nhiều sau chiến tranh.
Cách quay phim tự nhiên, giản dị và đầy cảm xúc khiến khán giả trở nên đồng cảm với tâm lý của các nhân vật cũng như yêu thích từng chi tiết trong phim hơn rất nhiều. Mình chấm 8/10 cho hình ảnh phim.
(còn tiếp)
Thị Mai – Rumbo a Vietnam (phần 2)
Nguồn: Ghiền review