Bản chất của con người là sự tò mò, chính sự tò mò đó tạo ra nghịch lý khiến cho chúng ta muốn khám phá sự sợ hãi của bản thân, nên đa phần chúng ta đều muốn xem phim kinh dị, cho dù có “sợ ma” đi chăng nữa.
Có những phim kinh dị đơn thuần là hù doạ với những bóng ma, hoặc với sự bệnh hoạn của lối sống con người, nhưng cũng có những phim kinh dị tạo ra những thông điệp đầy nhân tính thông qua sự sợ hãi, để giúp chúng ta có thể nhìn sâu vào bản chất của cuộc sống.
Sự hù doạ mang tính chất tưởng tượng chợt vô cùng thực tế. Những bộ phim kinh dị như vậy, không “nhát ma” khán giả, mà ở sâu bên trong nó là những lớp ý nghĩa vô cùng tinh tế, mà sau khi xem xong, ta hiểu rằng: nghệ thuật thứ bảy, ở chiều sâu nhất, luôn có khả năng đưa cho ta thông điệp sống bằng diện mạo hoang đường nhất.
Sự khác biệt của văn hoá phương Đông và phương Tây tạo nên hai diện mạo khác nhau về mặt tâm linh. Nếu phim kinh dị châu Á tập trung khai thác về yếu tố tâm linh, với nhân vật là “hồn ma” thì văn hoá phương Tây khai thác yếu tố tinh thần mà phần nhiều trong đó là sự hoang tưởng và cơn điên của nhân vật chính, cũng như khai thác sâu về truyền thuyết về Ma Cà Rồng (vampire).
Chính vì vậy, phim kinh dị châu Á thường đưa ra ý nghĩa về quan hệ nhân – quả trong cuộc sống, thì phim kinh dị châu Âu, khai thác mối quan hệ giữa con người với nhau, con người với bản thân của chính mình. Dù ở khía cạnh nào, điện ảnh thế giới cũng đã cho ra đời những bộ phim vô cùng xuất sắc. Ta thấy sợ hãi không phải vì bản thân sự “hù doạ” của hiệu ứng hình ảnh, và âm thanh, mà sự sợ hãi đến từ bản thân câu chuyện với những yếu tố rất con người mà ta thấy hiển hiện và vô cùng chân thực.
Dưới đây là 5 phim kinh dị, tôi muốn giới thiệu đến các bạn nhân dịp Haloween, những bộ phim thoả mãn ở cả khía cạnh nghệ thuật điện ảnh, và khía cạnh gây sợ hãi vốn là điều kiện cơ bản để một bộ phim được gọi là Kinh Dị (Horror).
3. The Exorcist (William Friedkin, 1973)
Là bộ phim kinh dị đầu tiên được đề cử giải Oscar, The Exorcist luôn luôn nằm trong danh sách những phim kinh dị xuất sắc nhất mọi thời đại. Trong phim đầy những trường đoạn vô cùng ghê sợ về một cô bé bị quỷ ám, thay đổi diện mạo, với những tư thế và hành động phi tự nhiên đầy kinh hoàng, và những hình ảnh rất dữ dội liên quan đến tình dục, và bạo lực. Rất nhiều phim kinh dị về sau học theo The Exorcist như một thủ pháp rất hữu dụng để gây ra nỗi sợ hãi cho khán giả.
Bộ phim kể về một cô bé sau khi chơi trò chơi tâm linh đã bị quỷ ám. Những hiện tượng kì lạ ở cô bé phát sinh ngày qua ngày, cho đến khi người ta tin rằng, bên trong tâm hồn cô bé, là một linh hồn khác của quỷ đang quay trở lại thế giới loài người để trả thù.
Đạo diễn William Friedkin dựa theo tiểu thuyết của nhà văn William Peter Blatty đã xây dựng nên một bộ phim đầy những thông điệp về tôn giáo, về đức tin, và đặc biệt là giới thiệu cho ta thấy quang cảnh của một buổi lễ trừ tà, nơi cái thiện thắng cái ác, nhưng không bao giờ diệt trừ được cái ác. Vì bản thân cái ác, chính là sinh ra từ con người, cũng như cái thiện cũng là từ con người mà ra vậy.
Có thể so với thời điểm hiện tại, những hình ảnh trong bộ phim The Exorcist không còn quá kinh hoàng nữa, nhưng không vì thế mà chúng ta thôi không xem The Exorcist vì ở đó, điện ảnh kinh dị đã mang một tầm vóc mới, vừa đậm chất nghệ thuật, lại vừa thể hiện đúng được cái chất cần thiết để gây sợ hãi, và để lại nỗi ám ảnh về ma quỷ của loài người mà ở mọi thời đại, ta không thể thoát khỏi nó.
4. A tale of two sisters (Kim Jee-woon, 2003)
Đối với tôi, A tale of two sisters là một trong những phim kinh dị tâm lý hay nhất của điện ảnh Hàn Quốc nói riêng và điện ảnh châu Á nói chung. Sử dụng những yếu tố tâm linh, A tale of two sisters mang hơi hướng của một phim kinh dị đặc tả nỗi ám ảnh về mặt tâm lý, khi mà đạo diễn Kim Lee-Woon ít sử dụng những hình ảnh thường thấy trong các bộ phim kinh dị của Nhật, Hàn Quốc về ma nữ tóc dài, và những cú cắt dựng giật gân khiến khán giả giật mình và sợ hãi.
Bộ phim kể về mối quan hệ của hai chị em và người mẹ kế. Sau khi trở về từ bệnh viện tâm thần, nơi Soo Mi bị bác sĩ sử dụng những liệu pháp gây sốc và phân tâm để chữa trị, cô sống cùng em gái và người mẹ kế. Một không khí nặng nề bao trùm lên bữa ăn tối của cả nhà. Soo Mi cùng em gái mình luôn luôn có thái độ thù địch của bà mẹ.
Từ đó những chuyện kì lạ xảy ra, những dấu hiệu của ma quỷ, cũng như âm mưu của người mẹ kế bị hai chị em nghi ngờ. Với một kịch bản vô cùng chặt chẽ và ấn tượng, người xem không chỉ cảm thấy một nỗi sợ hãi bao trùm, mà còn luôn luôn phải băn khoăn nghi ngờ về một bí mật khủng khiếp nào đó ẩn giấu đằng sau khuôn mặt người mẹ kế, cũng như một quá khứ đầy tò mò của Soo Mi trước khi cô phải ở trong bệnh viện tâm thần.
Lối kể chuyện của A tale of two sisters đi ra khỏi những phương thức doạ ma thông thường, khiến cho bộ phim mang lại những thành công vang dội về doanh thu cũng như những lời ca ngợi từ giới phê bình.
Chẳng thế mà Hollywood đã không bỏ qua cơ hội làm lại một phiên bản khác với tên gọi “The unvisited” vào năm 2009. Cho đến ngày nay, bộ phim kinh dị của đạo diễn Kim Lee-Woon vẫn là một trong những bộ phim kinh dị hay nhất mà điện ảnh châu Á mang lại cho người xem.
5. A girl walks home alone at night (Ana Lily Amirpour, 2014)
Điện ảnh Iran có 1 dáng vẻ vô cùng đặc biệt ở thời điểm hiện tại. Những tác phẩm điện ảnh mà đi đầu là những tác phẩm của đạo diễn Abbas Kiarostami rất giàu chất thơ, cách kể chuyện tinh tế, đơn giản, ít màu sắc nhưng đậm chất nhân sinh, nó mở ra 1 làn sóng mới (iranian new wave) tràn đầy sức sống, chủ nghĩa hiện thưc được tô màu và thổi những khuôn hình một dáng vẻ thơ mộng đầy mê hoặc. A Girl Walks Home Alone at Night nằm trong làn sóng đấy.
Một bộ phim với hai màu đen trắng làm chủ đạo, sự cô đơn làm tình huống, và Ma Cà Rồng làm đề tài xây dựng câu chuyện.
Ma Cà Rồng, một biểu tượng của văn hoá đại chúng phương Tây suốt nhiều thế kỉ. Nó chứa đựng những ẩn dụ về dục vọng, cô đơn của loài người. Nó không mới nên khó khai thác, nhưng không bao giờ cũ để một đạo diễn nào đó không dám thử sức mình.
Ana Lily Amirpour, nữ đạo diễn đã không ngại chọn chủ đề này cho tác phẩm điện ảnh đầu tay, và biến nó thành một tác phẩm điện ảnh mang đậm chủ nghĩa ấn tượng, với những cảnh quay vô cùng đẹp và ma mị, vừa tạo cảm giác sợ hãi, vừa mê hoặc lòng người.
Bối cảnh là thành phố Bad City, một nơi buồn bã, rời rạc, vô hồn. Một thành phố coi việc thấy xác chết của 1 người vào ban ngày là điều gì đó bình thường, họ chỉ việc lôi cái xác đấy và vứt vào 1 hố chôn tập thể. Cả thành phố (nói là cả thành phố nhưng rất ít nhân vật xuất hiện) có cảm giác bị đè nặng bởi một bóng hình bí ẩn ban đêm.
Một cô gái xinh đẹp, vô cảm và thường cố tình bắt chước hành động của người mà cô ta bám theo. Cô gái thích âm nhạc, một dòng chảy âm nhạc xuyên suốt cả bộ phim. Trong bóng tối, trong sự đơn độc, trong sự trống rỗng, âm nhạc như làn hương, bao vây thành phố, bao vây lấy con người, để từ đó chân dung những người dân Iran hiện ra buồn bã và vô vị hơn bao giờ hết.
Cô gái hút máu người để sống vào ban đêm, nhưng cô giống một thiên thần ác, một người bảo vệ những thân phận phụ nữ bị ức hiếp, cô chỉ tìm giết những gã đàn ông có hành động không tốt đối với phụ nữ.
Chẳng thế mà cô đã cảnh báo một thằng bé, cô sẽ theo dõi hành động nó cả đời, nếu nó không ngoan. Và cô chợt một ngày, có tình cảm với một anh chàng, một gã chăm chỉ, muốn sống bằng chính đôi tay mình, muốn tự lập, tự vươn lên, một người đã làm hơn 2000 ngày để mua cho mình chiếc oto.
Nhưng bộ phim không dính vào câu chuyện tình cảm, mà câu chuyện tình cảm chỉ là một sợi dây để kết nói cô gái và con người, hay suy rộng ra, là sợi dây dẫn ta đến nơi mà tình cảm con người còn được lưu giữ, tình yêu, sự chia sẻ.
Nó đối nghịch lại với thái độ đàn ông chèn ép phụ nữ của xã hội Iran. Không khó để nhận ra ý đồ đấy của tác giả. Ý đồ mang tới tự do cho phụ nữ, trút bỏ đi gánh nặng của việc phụ thuộc đàn ông, và bị đàn ông đối xử tàn tệ vì dục vọng.
Nguồn: Mann Up