Bản chất của con người là sự tò mò, chính sự tò mò đó tạo ra nghịch lý khiến cho chúng ta muốn khám phá sự sợ hãi của bản thân, nên đa phần chúng ta đều muốn xem phim kinh dị, cho dù có “sợ ma” đi chăng nữa.
Có những phim kinh dị đơn thuần là hù doạ với những bóng ma, hoặc với sự bệnh hoạn của lối sống con người, nhưng cũng có những phim kinh dị tạo ra những thông điệp đầy nhân tính thông qua sự sợ hãi, để giúp chúng ta có thể nhìn sâu vào bản chất của cuộc sống.
Sự hù doạ mang tính chất tưởng tượng chợt vô cùng thực tế. Những bộ phim kinh dị như vậy, không “nhát ma” khán giả, mà ở sâu bên trong nó là những lớp ý nghĩa vô cùng tinh tế, mà sau khi xem xong, ta hiểu rằng: nghệ thuật thứ bảy, ở chiều sâu nhất, luôn có khả năng đưa cho ta thông điệp sống bằng diện mạo hoang đường nhất.
Sự khác biệt của văn hoá phương Đông và phương Tây tạo nên hai diện mạo khác nhau về mặt tâm linh. Nếu phim kinh dị châu Á tập trung khai thác về yếu tố tâm linh, với nhân vật là “hồn ma” thì văn hoá phương Tây khai thác yếu tố tinh thần mà phần nhiều trong đó là sự hoang tưởng và cơn điên của nhân vật chính, cũng như khai thác sâu về truyền thuyết về Ma Cà Rồng (vampire).
Chính vì vậy, phim kinh dị châu Á thường đưa ra ý nghĩa về quan hệ nhân – quả trong cuộc sống, thì phim kinh dị châu Âu, khai thác mối quan hệ giữa con người với nhau, con người với bản thân của chính mình. Dù ở khía cạnh nào, điện ảnh thế giới cũng đã cho ra đời những bộ phim vô cùng xuất sắc. Ta thấy sợ hãi không phải vì bản thân sự “hù doạ” của hiệu ứng hình ảnh, và âm thanh, mà sự sợ hãi đến từ bản thân câu chuyện với những yếu tố rất con người mà ta thấy hiển hiện và vô cùng chân thực.
Dưới đây là 5 phim kinh dị, tôi muốn giới thiệu đến các bạn nhân dịp Haloween, những bộ phim thoả mãn ở cả khía cạnh nghệ thuật điện ảnh, và khía cạnh gây sợ hãi vốn là điều kiện cơ bản để một bộ phim được gọi là Kinh Dị (Horror).
1. It follows (David Robert Mitchell, 2014)
Ra mắt tại liên hoan phim Cannes 2014, It follows bộ phim kinh dị độc lập kinh phí thấp của đạo diễn trẻ David Robert Mitchell đã gây được một hiệu ứng vô cùng tích cực. Quả vậy, với một câu chuyện đơn giản, và không dùng bất cứ thủ đoạn hù doạ nào thường thấy ở thể loại kinh di, nhưng đạo diễn David vẫn khiến cho người xem rợn tóc gáy vì một kịch bản vô cùng tinh quái.
David đánh vào nỗi sợ hãi mà bất kì ai cũng có, đó là cảm giác có ai đó đi theo mình. Một cảm giác kinh hoàng vừa không thực lại vừa vô cùng hiển hiện, khiến cho ta cảm giác đã phá vỡ đi bức tường thứ 4, để chính bản thân khán giả trải nghiệm sự sợ hãi của nữ nhân vật chính Annie (Bailey Spry).
Nỗi sợ hãi được nguyền qua đường tình dục như một ám thị về sự nguyên thuỷ trong bản năng con người, Annie sau khi quan hệ với bạn trai đã bị “nó” bám theo, và “nó” trong hình hài con người chỉ có thể biến mất nếu như Annie ngủ tiếp với người khác, để lời nguyền “được” chuyển giao.
Cứ vậy, cả bộ phim là nỗi ám ảnh về việc bị đe doạ, và sự đe doạ vừa vô hình vừa hữu hình, không có con ma nào nhảy ra doạ bạn, chỉ có chính bạn tự doạ mình bằng một không khí kinh hoàng, bí ẩn, ma quái trong một thứ âm nhạc luôn luôn biết tăng giảm nhịp điệu một cách vô cùng ấn tượng để kích thích sự hoảng loạn của đầu óc.
It Follows không nghi ngờ gì là một trong những bộ phim kinh dị hay nhất trong nhiều năm trở lại đây, khi mà nó thoát khỏi lối “doạ ma” truyền thống, để gieo cấy nỗi sợ hãi của con người một cách từ từ, và vô cùng ám ảnh để từ đó nó cũng ám thị đến một điều vô cùng gần gũi trong cuộc sống hiện đại, đó là sự lạc lõng của tuổi trưởng thành.
2. The shining (Stanley Kubrick, 1980)
Stanley Kubrick là đạo diễn bậc thầy trong nền điện ảnh thế giới. Chẳng thế mà ở thể loại nào ông cũng khiến cho bộ phim đạt đến trạng thái cực kì sâu sắc của chính thể loại đó. Mà The Shining là một đại diện tiêu biểu cho thể loại kinh dị.
Với sự kết hợp cùng diễn viên Jack Nicholson, Kubrick mang đến cho khán giả một trong những biểu tượng của phim kinh dị, khiến cho người ta không thể không nhắc đến nó như một bài học cho việc kể một câu chuyện rùng rợn dưới hình dạng nghệ thuật nhất của điện ảnh.
Bộ phim kể về Jack Torrence cùng vợ và con trai chấp nhận làm quản lý một khách sạn về mùa đông, khi mà khách sạn bị cô lập khỏi thế giới bên ngoài bởi tuyết và không có khách du lịch ở lại. Jack là một nhà văn, nên sự yên tĩnh và vắng vẻ đó khiến anh thích thú và tin rằng sẽ giúp mình viết được tác phẩm nào đó.
Tuy nhiên, những linh hồn, hiện tượng kì lạ xuất hiện, đặc biệt là thái độ của cậu con trai, người có thể nhìn thấy những gì xảy ra ở quá khứ đã khiến cho cuộc sống của họ bị xáo trộn, đặc biệt là Jack. Sự cô lập với thế giới bên ngoài, và tâm lý bất ổn khiến Jack dễ dàng bị ảnh hưởng bởi những hồn ma ở khách sạn nơi chứa đựng một bí mật khủng khiếp, để rồi ông phát điên.
Dựa theo câu chuyện của nhà văn Stephen King, Stanley Kubrick đã viết lại kịch bản theo cách xây dựng của riêng mình để làm nên một bộ phim mà không khí ảm đạm và cô độc con người khi xa khỏi xã hội trở nên ám ảnh và đầy hoang mang.
Âm nhạc xuất sắc và những khuôn hình cân đối quen thuộc trong thủ pháp quay phim của Stanley đã khiến The Shining vừa rất đẹp, lại làm tăng dần nỗi sợ hãi trong nét đẹp có phần ma mị về những bí ẩn không thể lý giải.
The Shining là một ví dụ xuất sắc về tâm trí của con người, mà ở đó, tất cả những bóng ma xuất hiện mà ở một mức độ nào đó, nó chỉ đại diện cho cơn điên, mà khi con người bị cô lập, nó chợt bùng phát và khiến cho chúng ta mất hết lý trí để rồi tự làm hại chính mình.
(còn tiếp)
Nguồn: Mann Up