Năm 2011, Kim Mã công bố danh sách “100 phim Hoa ngữ xuất sắc nhất mọi thời đại” và “50 đạo diễn xuất sắc nhất lịch sử Hoa ngữ”. 10 vị đạo diễn có tên xếp đầu tiên trong danh sách sẽ được giới thiệu sâu hơn qua bài viết này.
4. Lý An (Đài Loan)
Lý An có lẽ là nhà làm phim nổi tiếng nhất của Điện Ảnh Mới Đài Loan khi ba lần đạt giải Oscar. Những tác phẩm giai đoạn đầu của ông thể hiện rõ nét những đặc trưng của phong trào.
Phong cách nho nhã của Lý An thường đạt tới một sự hài hòa duyên dáng ngay cả khi ông chạm vào những đề tài tế nhị như xung đột giữa hai thế hệ trong gia đình, giữa truyền thống và hiện đại, giữa Đông và Tây. Ông cũng được xem là bậc thầy của những xúc cảm ẩn giấu và bị đè nén, hay đã phá bỏ thành công rào cản giữa các nền văn hóa.
Tác phẩm tiêu biểu: Thôi Thủ (1992), Hỷ Yến (1993), Ẩm Thực Nam Nữ (1994), Sense and Sensibility (1995), Ngọa Hổ Tàng Long (2000), Brokeback Mountain (2005), Sắc, Giới (2007), Life of Pi (2012) …
3. Vương Gia Vệ (Hồng Kông)
Trưởng thành từ phong trào điện ảnh Làn Sóng Mới Hồng Công, Vương Gia Vệ nổi lên như một nhà làm phim lập dị và độc đáo hiếm có, nổi tiếng với cung cách làm phim không cần sẵn kịch bản.
Vương Gia Vệ tạo dấu ấn cá nhân cùng một tư duy thẩm mỹ đánh mạnh vào thị giác và thính giác rất riêng biệt. Phim của ông thường lỏng lẻo về kịch tính, phong phú về màu sắc và tràn ngập những vẻ đẹp hào hoa như giấc mơ, các shot cảnh quay bằng tay, sự lựa chọn tỉ mỉ và vận dụng thuần thục về âm nhạc.
Tập trung sâu vào sự tương tác giữa các nhân vật, nhân vật thường có tính cách kỳ lạ và không có khả năng hòa nhập nhưng lại hay suy tưởng và lãng mạn bất tận … tạo nên những nhịp điệu cảm xúc giống như tác phẩm âm nhạc bằng hình ảnh, hơn là những câu chuyện thực sự.
Tuy vậy, không thể nói các bộ phim của Vương là ngẫu nhiên hay hời hợt. Đề tài trăn trở của ông thường xoay quanh “ký ức”, “sự nhận diện cái tôi” và “sự chối từ”, những triết lý rõ ràng chịu ảnh hưởng của học thuyết Freud.
Vương Gia Vệ thắng giải Đạo Diễn Xuất Sắc Nhất tại Liên hoan phim Cannes 1997 cùng tác phẩm Xuân Quang Xạ Tiết. Bộ phim Hoa Dạng Niên Hoa (2000) cũng thường xuyên đứng đầu các danh sách phim hay nhất của thập kỷ.
Tác phẩm tiêu biểu: Vượng Giác Tạp Môn (1989), A Phi Chính Truyện (1991), Đông Tà Tây Độc (1993), Trùng Khánh Sâm Lâm (1994), Đọa Lạc Thiên Sứ (1995), Xuân Quang Xạ Tiết (1997), Hoa Dạng Niên Hoa (In The Mood For Love, 2000), 2046 (2006), Nhất Đại Tông Sư (2015).
2. Dương Đức Xương (Đài Loan)
Là một trong ba tên tuổi tiêu biểu nhất của Điện Ảnh Mới Đài Loan (bên cạnh Hầu Hiếu Hiền, Thái Minh Lượng), phong cách làm phim của Dương Đức Xương cũng gặp gỡ với đặc trưng của các nhà làm phim thuộc phong trào: sự tinh tế của ngôn ngữ điện ảnh từ chối kịch tính, ít thoại, giàu chất thơ, nhịp điệu và hình ảnh tự nhiên … cùng đề tài, tư tưởng đặt trọng tâm vào lịch sử và con người xứ đảo Đài Loan.
Ông thiên về các xung đột hình thành từ nội tại của sự phát triển và đổi thay xã hội, khắc họa nét giao thoa giá trị tinh thần giữa cổ điển và hiện đại, giữa truyền thống bản địa và những yếu tố du nhập từ văn hóa pop Tây phương, giữa hiện đại và thời hậu hiện đại, trăn trở với các câu hỏi về ý nghĩa nhân sinh …
Bao gồm cả những khía cạnh hài hước, trớ trêu, vẻ đẹp và những bi kịch. Dương Đức Xương thắng giải Đạo Diễn Xuất Sắc Nhất tại Liên hoan phim Cannes năm 2000 cùng tác phẩm Nhất Nhất – bộ phim được đài BBC bình chọn vào danh sách 10 phim hay nhất của thập kỷ.
Tác phẩm tiêu biểu: Câu Chuyện Đài Bắc (1985), Phần Tử Khủng Bố (1986), Sự Kiện Cậu Thiếu Niên Giết Người ở Phố Cổ Lĩnh (A Brighter Summer Day, 1991), Thời Đại Độc Lập (1994), Mạt Chược (1996), Nhất Nhất (Yi Yi: A One and A Two, 2000).
1. Hầu Hiếu Hiền (Đài Loan)
Lá cờ đầu của phong trào Điện Ảnh Mới Đài Loan (còn gọi Làn Sóng Mới của Đài Loan) bắt đầu từ thập niên 1980. Ông là người Hoa đầu tiên được trao giải Sư Tử Vàng tại Liên hoan phim Venezia năm 1989 cùng tác phẩm Bi Tình Thành Thị. Năm 2015 ông được trao giải Đạo Diễn Xuất Sắc Nhất tại Liên hoan Phim Cannes cùng bộ phim Nhiếp Ẩn Nương.
Các tác phẩm của Hầu Hiếu Hiền luôn đạt tới một chuẩn mực toàn mỹ nhất định cũng như sự đột phá: dung hòa giữa nét đẹp thi vị và những bi ai chân thật của con người, của lịch sử thăng trầm Đài Loan cùng những cách tân trong sáng tạo điện ảnh.
Phim của ông – bất kể về cuộc đời của một nghệ nhân biểu diễn rối đã trải qua những năm tháng chiến tranh và biến động chính trị, hay sự ly tán của một gia đình trong thời kỳ Khủng Bố Trắng giày xéo đảo quốc …
Hầu như đều không có cao trào mà diễn ra theo một nhịp điệu tự nhiên như cuộc sống, các nhân vật được khắc họa sống động trong một không gian ít thoại, giàu âm nhạc, giọng thoại ngoài hình (voice-over), ánh sáng đẹp, những shot quay cùng ống kính lens dài … tạo nên chiều sâu không gian và chất thơ thâm trầm của tác phẩm.
Các tác phẩm tiêu biểu: Đồng Niên Vãn Sự (1985), Người Con Gái Sông Nile (1987), Bi Tình Thành Thị (1989), Hỉ Mộng Nhân Sinh (1993), Hảo Nam Hảo Nữ (1995), Nam Quốc Tái Kiến, Nam Quốc (1996), Hải Thượng Hoa (1998), Millenium Mambo (2001), Tối Hảo Đích Thời Quang (Three Times, 2005), Nhiếp Ẩn Nương (2015) …
Nguồn: Review Chinese Film Vtrans